Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Mía rải vụ - Giải pháp cho vùng lũ

Ngày: 08/04/2010 số lượt xem: 2262
Vùng mía Phụng Hiệp chiếm đến hơn 2/3 diện tích mía toàn tỉnh, dù năng suất cao, nhưng người dân phải thu hoạch sớm để chạy lũ nên chữ đường đạt không cao, bán giá thấp, ít lợi nhuận.

 

Khác với những hộ dân trồng mía trong vùng, ông Nguyễn Vũ Biên (Tư Biên), ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp áp dụng mô hình trồng mía rải vụ. Ông thực hiện mô hình này được 4 năm và tất cả các vụ mía đều bán được giá. Với 1 ha đất, ông lên bờ bao khép kín giữ nước, trồng các giống mía chín muộn như R570, K88-92, M3035-66 để lưu gốc và bán vào sau Tết Nguyên đán. Vừa rồi, dù mía mới 10 tháng tuổi, nhưng cho thu hoạch được 130 tấn, chữ đường đạt 9,9 CCS, giá bán tại rẫy 1.020 đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, còn lời 66,5 triệu đồng. Ông Biên cho biết, do mía bị bệnh, phải thu hoạch sớm nên ảnh hưởng đến năng suất và chữ đường. Chỉ cần kéo dài thời gian thu hoạch thêm từ 1-2 tháng nữa, năng suất sẽ tăng thêm gần 2,5 tấn/công và chữ đường sẽ tăng thêm 1 CCS. Như vậy, lợi nhuận sẽ không dừng lại ở 6,6 triệu đồng mà lên trên 10 triệu đồng/công. “Mô hình này thường nặng công, tốn chi phí bơm tác do trồng nghịch vụ, tuy nhiên, 1 vụ trồng mới sẽ lưu thêm 2 vụ gốc, đỡ chi phí hơn so với trồng mới. Muốn làm được mô hình này, phải có khuôn bao tốt, nếu mọi người trong khu vực cùng thực hiện sẽ tiết giảm được chi phí và năng suất mang lại không thua gì vụ thuận”, ông Tư Biên khẳng định.

 

Trước đây, gia đình ông Tư  làm vườn, nhưng lâu ngày cây bị cỗi mới chuyển qua trồng mía. Trước đây, mía trong vùng vào mùa lũ, người dân phải ồ ạt đốn nên giá không cao, thường bị thương lái ép, khó kiếm nhân công thu hoạch, kéo theo nhiều chi phí. Ông học theo cách làm của nông dân ở Sóc Trăng thường bán được giá cao vào cuối vụ mía, nên quyết định đầu tư làm khuôn bao khép kín để trồng mía. Nếu như vụ mía năm rồi, nông dân trong vùng chỉ bán giá chưa tới 400 đ/kg, nhưng cuối vụ, gia đình ông bán được giá 600 đ/kg mía. Đối với mía lưu gốc lại, không phải tốn nhiều chi phí để chăm sóc, nhất là hom giống không phải tốn tiền để đầu tư, chưa kể thời gian chín của mía được rút ngắn hơn so với trồng mới.

 

Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự, cho rằng: Đây là mô hình rất hiệu quả cần được nhân rộng. Nếu có được nhiều vùng mía như thế này sẽ giảm áp lực mía chạy lũ, kéo dài thời gian thu hoạch, thời gian ép cho nhà máy và nông dân bán ra được giá vì chất lượng được nâng lên. Khi thực hiện mô hình này, sẽ giảm được chi phí hom giống, đào hộc, lưu gốc, hạ được giá thành, tăng năng suất. Qua thống kê, hầu hết các hộ dân trồng mía ở huyện đều bán chạy lũ, hiệu quả mang lại không cao, chỉ lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng/ha. Nhưng nếu nông dân đầu tư trồng vụ nghịch, kéo dài thêm thời gian thu hoạch thì lợi nhuận vẫn đạt cao hơn cả các thành viên CLB 200 tấn (lời 70 triệu đồng/ha). Cây mía là cây trồng chủ lực thứ 2 của huyện, vì vậy thời gian qua, huyện luôn chú ý trong chuyển đổi giống mía mới có năng suất, tăng chữ đường. Trong chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô này, huyện sẽ tập trung gia cố các đê bao trong vùng mía nguyên liệu để phục vụ lưu gốc trên 2.000 ha mía. Bên cạnh đó, chuyển giao kỹ thuật để hạ giá thành, tăng năng suất cho bà con. Tiếp tục xây dựng đề án đầu tư xây dựng 76 trạm bơm điện trong giai đoạn 2010-2015 để phục vụ sản xuất.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Khoa sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, vùng Phụng Hiệp rất phù hợp trồng mía thâm canh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lũ, bắt buộc nông dân phải thu hoạch mía chưa đủ độ chín, chữ đường không cao, đây là điều kiện để bà con trong vùng tính toán. Do phải thu hoạch rộ làm nhà máy quá tải, khủng hoảng về lao động, giá mía không được cao nên cả nhà máy và nông dân đều không được lợi. Chỉ cần kéo dài tuổi thu hoạch mía thêm 1-2 tuần thì chữ đường tăng thêm khoảng 1 CCS trong thời điểm mía chín. Nếu kéo dài thời gian thu hoạch sẽ tăng năng suất mía, còn trồng rải vụ càng không bị áp lực về lao động, nhưng phải chọn giống mía tốt, ít trổ cờ thì hiệu quả mang lại mới cao. Cũng cần lưu ý, trồng rải vụ liên tục, dịch bệnh sẽ dễ dàng tấn công, vì vậy, sau vài vụ mía, bà con nông dân nên thả nước ngập liếp để diệt mầm bệnh trong đất, cải thiện được đất để mía được trúng hơn. Do giá hom giống rất cao, bà con nên giảm lượng hom trồng, chọn hom tốt, nếu chuẩn bị được giống tốt để trồng thì năng suất sẽ tăng lên thêm 15% so với mua các giống trôi nổi. Ngay từ bây giờ, nông dân cần liên kết lại từng vùng, khu vực để bơm tưới sẽ giảm được nhiều chi phí, tăng thêm lợi nhuận...

 

 

Bài, ảnh: H.THANH

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh