Tin tức - Sự kiện » Hoạt động của CASUCO

ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA TRONG CANH TÁC MÍA

Ngày: 12/06/2017 số lượt xem: 2572

 (Casuco) Từ những năm qua, với mục tiêu giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng mía, Công ty cổ phần Mía Đường Cần Thơ (CASUCO) đã mạnh dạn đầu tư máy CGH (cơ giới hóa) trong canh tác mía cho vùng nguyên liệu để giúp cây mía và sản phẩm từ mía có thể đứng vững trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh như hiện nay.

 Từ năm 2007, máy CGH được công ty mua về thử nghiệm tại Trung tâm Giống Long Mỹ với diện tích 300 ha nhưng không có nhân công trồng và chăm sóc mía (Trung tâm nghiên cứu giống mía Long Mỹ thuộc CASUCO). Tuy nhiên, bước đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật đào học mía chưa đạt về độ sâu, sau đó cải tiến dần và thực hiện được 3 khâu: đào hộc và vô chân 2 lần.

 Đến năm 2008, 02 máy CGH được trang bị cho Trại Thực Nghiệm Hiệp Hưng (trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống mía thuộc CASUCO) và áp dụng với điều kiện thực tế đồng ruộng tại đây. Đầu tiên là máy xới chạy bằng máy dầu to nặng cồng kềnh sau đó chuyển sang máy xới có trọng lượng nhỏ khoảng 150kg, thiết kế lại lưỡi xới để rạch hàng, thay đổi hệ thống bánh lồng,…. Bằng những nghiên cứu, cải tiến nên đã hoàn thiện dần máy CGH. Đến vụ mía năm 2012 – 2013, máy CGH được thực nghiệm lần đầu tại rẫy mía của hộ dân ở huyện Gò Quao và huyện Cù Lao Dung với khâu đào hộc và vô chân 2 lần. So sánh thực hiện 3 công đoạn giảm chi phí hơn so với việc thực hiện bằng thủ công là 10-15 triệu đồng/ha.  Ngay lần đầu trình diễn đã được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Làm tốt vai trò tiên phong, CASUCO thực hiện áp dụng canh tác mía bằng CGH ở tất cả các vùng nguyên liệu như Phụng Hiệp, Ngã Bảy, Vị Thanh, Gò Quao, U Minh Thượng, Cù Lao Dung và Thới Bình. Hiện nay, theo thống kê việc áp dụng CGH ở các vùng trong nước ta giúp giảm chi phí trung bình từ 30-40% và tăng năng suất từ 5 – 10% (do đào hộc hàng xuôi tăng thêm diện tích trồng mía trên cùng một diện tích).

 CASUCO tổ chức hội thảo mô hình trồng mía cơ giới hóa - Ảnh: Bộ phận Khuyến Nông

Một trong những hoạt động giúp lan tỏa của việc áp dụng máy CGH trong canh tác mía là việc tặng máy CGH (máy xới cầm tay) cho các thành viên CLB200 (thành viên có năng suất đường > 24 tấn đường/ha) đạt giải cao bắt đầu từ vụ mía 2012 – 2013. Đến nay, CASCO đã tặng 12 máy xới lớn và nhỏ trong toàn vùng nguyên liệu để từ đó những hộ lân cận có cơ hội tham khảo và thực hiện. Ngoài ra, nông dân có khó khăn về kỹ thuật sẽ được sự tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình của Bộ phận Khuyến Nông CASUCO để người dân có thể tự mua và vận hành máy CGH trên phần đất canh tác mía của mình.

 Áp dụng máy CGH trong canh tác mía giúp giải quyết bài toán thiếu nhân công, chủ động thời vụ trồng, tiết kiệm chi phí, đất tơi xốp rễ mía phát triển tốt cho năng suất cao. Từ những lợi ích đó nên những năm gần đây người dân càng chú tâm đến việc đầu tư CGH cho cây mía, mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác truyền thống (chuyển từ đào hộc hàng ngang sang hàng xuôi). Phần nào giải quyết bài toán thiếu nhân công lao động như hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới còn gặp nhiều hạn chế để nhân rộng như: thiếu vốn đầu tư, chuyển sang trồng hàng  xuôi chưa được người dân chuyển đổi,…

Đào hộc bằng máy cơ giới hóa tại rẫy mía của hộ dân - Ảnh: Bộ phận Khuyến Nông 

Trong tương lai, CASUCO đầu tư và cải tiến kỹ thuật máy hoàn chỉnh hơn nữa để người trồng mía có thể áp dụng CGH từ khâu trồng cho đến thu hoạch (đào hộc, bón phân, vô chân, thu hoạch,…). Tuy nhiên, diện tích canh tác của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún, mương rãnh nhiều nên khó áp dụng CGH. Bên cạnh đó, CGH đã mang lại lợi ích trước mắt nhưng người dân vẫn chưa dám mạnh dạn bỏ ra chi phí để mua máy nên hiện tại CASUCO vẫn phải đầu tư thay cho người dân.

 Việc áp dụng CGH đồng bộ góp phần nâng cao năng suất chất lượng mía, cải thiện đời sống người dân và xây dựng vùng nguyên liệu mía ổn định. Để đạt được điều đó, ông Huỳnh Văn Măng – Giám đốc Bộ phận Khuyến Nông CASUCO nhấn mạnh “ CASUCO sẽ phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, các công ty sản xuất máy móc nông nghiệp để hoàn thiện và đa dạng hơn hệ thống máy CGH của công ty hiện có. Bên cạnh đó, bà con nông dân cần thiết kế lại đồng ruộng và mạnh dạn đầu tư đổi mới kỹ thuật. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ người dân vì mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá thành và tăng lợi nhuận góp phần phát triển ngành mía đường bền vững”

 

                                                                                          Bài, ảnh: Bộ phận Khuyến Nông - CASUCO

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh