Vùng nguyên liệu » Kỹ thuật canh tác

KỸ THUẬT BÓN PHÂN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÍA

Ngày: 21/04/2015
Trong quá trình canh tác mía, ngoài việc chọn giống phù hợp thì quá trình bón phân hợp lý là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đường cho cây mía. Tuy nhiên, tình trạng bà con bón thừa, thiếu phân vẫn còn thường xuyên xảy ra, gây nhiều lãng phí. Chính vì vậy, việc chọn loại phân gì và quy trình bón như thế nào để đạt hiệu quả đang là mối quan tâm của người trồng mía, nhất là trong giai đoạn mía sinh trưởng hiện nay.

    

               Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được gần 11.500ha của niên vụ mía 2015-2016, hiện mía đang trong giai đoạn từ 3-4 tháng tuổi. Đây là thời điểm mía rất cần bổ sung các dưỡng chất thiết yếu để phát triển, cũng như quyết định đến năng suất, chữ đường sau này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít nông dân cảm thấy bối rối trong việc chọn và bón phân như thế nào cho đạt hiệu quả. Anh Phan Minh Tơ, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, nói: “Tuy tôi đã gắn bó với cây mía nhiều năm nay, nhưng năng suất và chữ đường hàng năm chỉ đạt ở mức thấp, dù đã bón phân khá nhiều”.

 

Để giúp anh Tơ cũng như nhiều nông dân trồng mía khác có được những kiến thức bổ ích trong vấn đề bón phân cho mía, mới đây, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã tổ chức buổi tọa đàm “Kỹ thuật bón phân tăng năng suất chữ đường cho cây mía”. Trao đổi tại buổi tọa đàm có GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ; cùng một số kỹ sư của bộ phận khuyến nông Casuco và hơn 30 nông dân trồng mía trong, ngoài tỉnh thuộc vùng mía nguyên liệu của Casuco.

 

          Ông Huỳnh Văn Măng, Giám đốc bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết: “Hàng năm, Casuco đều dành một khoản kinh phí để tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm ở nhiều địa phương khác nhau, trong đó có mời những nhà khoa học đến để hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch mía như thế nào để đạt hiệu quả. Đặc biệt, với việc giúp nông dân có những kiến thức trong bón phân hợp lý là góp phần làm giảm mức đầu tư, tăng lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn chung của ngành mía đường”.

 

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, trong bón phân cho mía, thời kỳ bón phân có ảnh hưởng lớn không chỉ với năng suất, mà còn cả tới hàm lượng đường trong cây mía. Nếu bón phân muộn, nhất là phân đạm sẽ làm cho thời gian sinh trưởng của cây mía kéo dài, chậm chín nên tỷ lệ đường giảm. Vì vậy, để đảm bảo mía đạt chất lượng cả về năng suất và chữ đường, bà con có thể chia thời kỳ bón phân thành 3 đợt như sau: Đợt 1 (bón lót tạo chồi), đây là thời điểm bà con bón trước khi đặt hom hoặc sau đặt hom 7 ngày gồm phân hữu cơ, phân lân, đạm và kali; Đợt 2 (nuôi chồi), khi đếm thân mía có từ 6-8 lá (mía khoảng 1,5 tháng tuổi) sẽ tiến hành bón phân để thúc chồi phát triển mạnh, chủ yếu là phân đạm để mía đạt năng suất sau này; Đợt 3 (mía từ 3-4 tháng), đây là thời kỳ quyết định đối với trọng lượng, năng suất và chữ đường mía. Do đó, bà con cần bón thúc giai đoạn này nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây mía tăng trưởng thân lá, tích lũy đường và các chất khác vào thân mía, chủ yếu bón phân đạm và kali. Về số lượng bón, tùy vào từng vùng đất mà có số lượng khác nhau, nhưng bình quân từ 600-800kg/ha cho một đợt bón. Tuy nhiên, một vài lưu ý cho nông dân là, khi bón phân lân phải bón ngay bộ rễ của mía; tạo cho mía phát triển bộ rễ; hạn chế việc rải phân trên mặt vì phân đạm dễ bốc hơi, do đó, bà con nên đào một đường rãnh, khi bón xong lấp một lớp đất mỏng lại. Nếu áp dụng tốt các giải pháp trên thì năng suất và chữ đường của cây mía sẽ được nâng lên mong muốn.

 

Hiện nay, mặc dù nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu làm quen với kỹ thuật canh tác mía tiên tiến nhưng còn nhiều điểm hạn chế trên cả 3 mặt (giống, kỹ thuật canh tác và thu hoạch). Trong đó, việc không áp dụng đúng kỹ thuật bón phân như: không bón lót, bón phân quá trễ, bón mất cân đối đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chữ đường của cây mía. Thông thường, chữ đường đầu vụ chỉ đạt khoảng 7-8 CCS, từ đó, khiến cho việc chế biến ở nhà máy không hiệu quả. Chính vì vậy, việc được các kỹ sư bộ phận khuyến nông Casuco và GS.TS Nguyễn Bảo Vệ hướng dẫn quy trình bón phân đúng kỹ thuật đã giúp người trồng mía cảm thấy an tâm hơn trong quá trình canh tác mía, góp phần giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Liêm, nông dân trồng mía ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Sau khi được tham dự buổi tọa đàm về kỹ thuật bón phân tăng năng suất chữ đường cho cây mía do Casuco tổ chức, bản thân tôi cũng như nhiều anh em khác đã được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích. Ngoài nắm được các thời kỳ bón phân cho cây mía, bà con còn được nhà khoa học hướng dẫn cách nhận biết cây mía đang thiếu hay thừa phân gì (thông qua lá mía) để bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là cách trồng và chăm sóc mía đạt hiệu quả trên vùng đất phèn như quê hương của tôi”.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hưng, nhận định: Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Công ty Casuco trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mà kiến thức trồng mía của nông dân không ngừng nâng lên. Điển hình là trên địa bàn xã ngày càng có nhiều nông dân trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm. Mong rằng, thời gian tới, Casuco tiếp tục hỗ trợ nông dân như những năm vừa qua để góp phần ổn định vùng mía nguyên liệu, giúp bà con an tâm sản xuất…

 

HỮU PHƯỚC

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh