Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho hay: “Thông thường, cơ cấu một giống mía tại một vùng nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 30%. Thế nhưng, tại huyện Phụng Hiệp giống mía ROC 16 luôn chiếm tỷ lệ trên 60% và đây còn là giống ngày một thoái hóa do sản xuất nhiều năm nên nguy cơ bùng phát dịch hại là rất cao, nhất là bệnh gỉ sắt”.
Niên vụ mía đường 2017 - 2018, Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) đã áp dụng biện pháp nuôi cây mô để phục hồi giống mía ROC 16 nhằm thay thế giống mía đã trồng nhiều năm qua.
Cán bộ Khuyến nông của Trại thực nghiệm Hiệp Hưng đang theo dõi và chăm sóc giống mía ROC 16 cấy mô lưu gốc (thế hệ F2)
Để tạo ra nguồn giống mía thuộc thế hệ đầu nhằm chống thoái hóa và kháng sâu bệnh, năm 2016, CASUCO đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam áp dụng những kỹ thuật tiên tiến để thực hiện việc nhân tạo ra giống mía ROC 16 thuộc thế hệ F1 bằng phương pháp cấy mô.
Sau thời gian nhân tạo thành công, những cây mía được ươm trong bầu đất như những cây lúa mầm được đem về Trại Thực nghiệm Hiệp Hưng (thuộc CASUCO) ở ấp Hưng Thạnh, xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Hậu Giang, để trồng khảo nghiệm vào đầu năm 2017.
Qua hơn 5 tháng trồng khảo nghiệm trên diện tích 1.000m2 tại trại thực nghiệm, đơn vị đã thu hoạch được 4 tấn mía hom giống và đã chuyển giao cho một hộ dân ở địa phương để tiếp tục trồng khảo nghiệm thực tế.
Hiện mía trồng tại các hộ dân được gần 2 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Cán bộ của trại thực nghiệm đang tiếp tục phối hợp với bà con trong khâu chăm sóc, để thời gian CASUCO sẽ tổ chức buổi hội thảo nhằm giới thiệu đến nông dân, nhân rộng giống mía ROC 16 cấy mô trong niên vụ tới.
Ông Phương Thanh Tuấn, Trưởng trại Thực nghiệm Hiệp Hưng, nhận xét: Mặc dù giống mía ROC 16 cấy mô ở thế hệ F1 được trồng khảo nghiệm ban đầu tại trại có thân cây nhỏ vì trồng từ cây mầm chứ không phải hom giống, nhưng bù lại có nhiều ưu điểm là chống chịu được các loại dịch hại hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, có nhiều triển vọng nhân rộng tại các vùng mía nguyên liệu của CASUCO.
Sau khi thu hoạch lần đầu tại trại thực nghiệm, hiện giống mía cấy mô ROC 16 lưu gốc thuộc thế hệ F2 đã nảy mầm xanh tốt trở lại. Theo nhận xét của cán bộ khuyến nông nơi đây thì cây mía đã to hơn lần trước khá nhiều và đang được chăm sóc, theo dõi chặt chẽ nhằm tiếp tục cung cấp cho nông dân giống mía thuần để thay thế giống mía đã lão hóa.
“Từ những thành công ban đầu, dự kiến trong niên vụ mía tới, lãnh đạo CASUCO sẽ tiếp tục đưa về trại thực nghiệm trồng khảo nghiệm thêm 2 giống mía cấy mô nữa là QĐ 93-159 và MY 15. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng mía trong tiến trình thay đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao nâng suất, chất lượng”, ông Tuấn thông tin thêm.
ROC 16 là giống mía được rất nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang chọn canh tác nhiều năm qua do có thời gian chím sớm và chữ đường cao. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, trong tổng số hơn 7.500ha mía đã xuống giống của niên vụ 2017 - 2018 này thì diện tích trồng giống mía ROC 16 đã chiếm 61,6% (hơn 4.862ha). Đây cũng là tỷ lệ được duy trì trong nhiều năm qua và đang đặt ra nhiều lo ngại cho ngành chức năng cũng như các nhà máy đường.
trích nguồn: Báo Nông nghiệp - TUẤN PHÁT - T.C, ngày 25/8/2017