Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Đi lên từ cổ phần hóa

Ngày: 29/01/2010 số lượt xem: 2253
Từ một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhưng chỉ gần 5 năm, cơ sở vật chất của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) liên tục được cải tiến, công suất của nhà máy nâng lên gần gấp đôi, đời sống công nhân đảm bảo, mức thu nhập của người lao động tăng nhiều lần so với trước. Tất cả nhờ vào mô hình cổ phần hóa.


Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ trước đây là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập từ năm 1995, đến năm 1999 đi vào hoạt động với công suất thiết kế ban đầu của 2 nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp là 2.250 tấn/ngày đêm. Đến tháng 4-2005, doanh nghiệp chính thức cổ phần hóa, cũng là doanh nghiệp đầu tiên của ngành mía đường trong cả nước bắt tay vào cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa là bước ngoặt trong sự phát triển của Casuco từ doanh nghiệp thua lỗ trở thành doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Công suất thời điểm cổ phần hóa chỉ 3.500 tấn mía cây/ngày đêm, giá trị tài sản là 253 tỉ đồng thì nay đã lên đến 6.000 tấn mía/ngày đêm với tổng giá trị tài sản gần 480 tỉ đồng. Ngoài ra, Casuco còn tham gia góp vốn với các doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, Công ty Mía đường Kiên Giang, Công ty Mía đường Thới Bình (Cà Mau), Công ty Cổ phần Cơ khí điện máy Cần Thơ, Công ty TNHH một thành viên Thương mại - Du lịch Đồng Bằng. Lương bình quân cho lao động tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi cổ phần hóa. Đã xây dựng được 3 vùng nguyên liệu ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang với sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Nông dân trong vùng nguyên liệu đã sử dụng giống mới do Casuco hỗ trợ chuyển giao đạt trên 90% diện tích. Đặc biệt, còn tuyển chọn những nông dân giỏi thành lập CLB 200 tấn từ năm 2006. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Casuco cho biết: “Việc xây dựng CLB 200 tấn là nơi để những nông dân trồng mía có năng lực sản xuất giỏi có năng suất trên 200 tấn/ha tập hợp lại để có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất và thi đua lập kỷ lục về năng suất mía. CLB là điển hình về năng suất để người trồng mía trong vùng phấn đấu noi theo. Từ đó đã tạo được phong trào thi đua sản xuất nhằm đem lại hiệu quả cho người trồng mía và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là những tuyên truyền viên, những diễn giả trong các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phổ biến giống mới do công ty tổ chức”.
Nhiều năm liền Casuco là một trong 5 doanh nghiệp mía đường lớn nhất nước về sản lượng ép. Riêng vụ ép mía 2008-2009 có sản lượng đường cao nhất nước với 76.800 tấn. Tuy nhiên, điều khó khăn của doanh nghiệp là có quá nhiều nhà máy đường trong cùng một vùng nguyên liệu, nên khó xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Hàng năm, ĐBSCL luôn là điểm nóng trong cả nước về tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Năng suất mía cao nhưng có chất lượng thấp, lao động thu hoạch mía hiếm dần nhưng không thể áp dụng cơ giới hóa. Nông hộ manh mún, quy mô nhỏ, thu nhập thấp dễ chuyển đổi sang cây trồng khác và không có đầu mối để ký hợp đồng với doanh nghiệp. Ông Long cho rằng: “Điều phấn khởi hiện nay, người lao động chiếm 58% vốn điều lệ với khoảng 600 lao động, ngoài ra còn mở rộng ra các nông dân trong CLB 200 tấn. Bên cạnh đó, công ty còn có nhiều hình thức để gia tăng cổ phần cho người lao động bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, thưởng cho người lao động có thành tích giỏi trong thi đua bằng cổ phần mà cá nhân người đó không cần bỏ tiền ra mua. Công ty đã có định hướng nâng chất lượng mía, tăng sức cạnh tranh từ người nông dân. Để làm được điều này, rất cần sự thống nhất từ các nhà máy đường, nên công ty đã tham gia cổ phần với các nhà máy để có tiếng nói chung, từ đó tăng hiệu quả cho nông dân ngay từ trên đồng ruộng”.
 
Phó Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt trong chuyến thăm và làm việc với Casuco mới đây cho rằng: Vùng ĐBSCL không lớn nhưng có quá nhiều nhà máy đường, cần tính toán sự ổn định sản xuất với quy mô hiện nay. Công ty cần có định hướng mở rộng vùng nguyên liệu, tăng năng suất, đổi mới thiết bị, tìm giải pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu để tiến tới mục tiêu quan trọng trong sản xuất kinh doanh là hạ giá thành. Tình trạng buôn lậu không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy mà cả nông dân, vì vậy cần phải tính toán tăng năng suất, chất lượng ngay trong vùng nguyên liệu. Đồng thời, cùng với sự cải tiến của nhà máy để tiến tới bao tiêu sản phẩm ổn định sản xuất cho người nông dân.

 

Bài, ảnh: HOÀI THANH

 

Hòai Thanh ( Báo Hậu Giang)

 

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh