Vùng nguyên liệu » Mía giống

CASUCO HỘI THẢO ĐẦU BỜ GIỐNG MÍA MỚI

Ngày: 20/07/2018

CASUCO-Vùng mía Phụng Hiệp có địa hình thấp nhất trong tỉnh Hậu Giang. Hằng năm mía bị ảnh hưởng do nước lũ về sớm, người dân phải thu hoạch mía chưa đủ độ chín. Mặc dù nơi đây canh tác hơn 50% diện tích là giống ROC 16 (giống chín sớm) nhưng giống này đã được trồng hơn 15 năm nên xuất hiện bệnh than đen, rỉ sắt làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía. Gần 50% diện tích còn lại là trồng giống K88-92 và các giống khác. Đặc biệt giống K88-92 cũng đang xuất hiện tình trạng mía bị bệnh thối đỏ, gây chết cây nhiều làm thất thoát năng suất mía rất lớn.

Thấu hiểu được tầm quan trọng của việc thay đổi giống để nâng cao tiềm năng năng suất và chất lượng mía để có thể cạnh tranh được với các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, ngày 19/7/2018 Bộ phận Nguyên liệu CASUCO đã tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu giống mía mới K83-29, ROC 16 cấy mô và giống VN08-207 đến người trồng mía tại nhà của ông Nguyễn Văn Trí ngụ ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Hậu Giang - một trong những xã có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện Phụng Hiệp.

Theo đó, giống K83-29 có nguồn gốc Thái Lan, đã được CASUCO trồng khảo nghiệm qua 2 vụ mía. Giống có nhiều ưu điểm như khả năng nẩy mầm mạnh, tập trung, đẻ nhánh nhiều. Tốc độ vươn lóng nhanh, mật độ cây hữu hiệu cao (≥12 cây/m tới), đồng đều. Khả năng lưu gốc tốt, ít đổ ngã. Chịu hạn, thích nghi vùng đất cao. Năng suất cao trên 180 tấn/ha. Chữ đường từ 11-12 CCS; Thu hoạch trong khoảng thời gian 10 – 11 tháng sau khi trồng – giống K83-29 có thể thay thế được ROC 16 thường đang được trồng tại Phụng Hiệp. Điều cần lưu ý khi trồng giống K83-29 là cần chủ động phòng trừ sâu đục thân mía vì giống này dễ nhiễm sâu trên nền đất thấp, đất gần ruộng lúa. Do đặc tính đẻ nhánh nhiều, cây hữu hiệu cao nên cần trồng thưa, khoảng cách đặt hom > 20 cm.

Giống ROC 16 cấy mô được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô có ưu điểm vượt trội như hàm lượng đường cao hơn ROC 16 bình thường từ 1 – 2 CCS trong cùng thời điểm trồng, độ thuần giống cao, đồng đều, sạch bệnh.

Giống VN08-207 do Viện Nghiên cứu Mía đường lai tạo đã được CASUCO đem về trồng khảo nghiệm cuối năm 2015 tại Trại Thực nghiệm Hiệp Hưng. Qua theo dõi đặc tính công-nông nghiệp thì giống này có thể thay thế được giống K88-92 đang được nông dân trồng hiện nay với nhiều ưu điểm như cây to, nhẹ công chăm sóc, năng suất cao và đặc biệt chữ đường cao hơn K88-92 từ 1-1,5 CCS cùng thời điểm thu hoạch.

Nông dân Nguyễn Văn Đại (ngụ cùng ấp) bộc bạch: “Tôi đang phân vân không biết giống mía nào tốt có năng suất và chất lượng cao để thay thế K88-92 tôi đang trồng. Qua buổi hội thảo này tui biết được giống VN08-207 có khả năng thay thế được K88-92 là tôi rất mừng. Tôi sẽ liên hệ Trại Thực nghiệm Hiệp Hưng để mua giống này về trồng.”

Qua buổi hội thảo hơn 70 người trồng mía đã được Cán bộ nguyên liệu CASUCO truyền đạt những thông tin hữu ích về giống mía mới để thay thế giống cũ tại địa phương, cách thức tự nhân giống mía tốt, cách phòng trừ sâu bệnh hại, giá cả bao tiêu vụ mía 2018-2019 và định hướng sự phát triển bền vững của ngành mía đường để từ đó hộ dân an tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với cây mía và doanh nghiệp.

 

Rẫy mía K83-29 được nông dân tham dự hội thảo đánh giá cao. (Ảnh: Minh Đương)

 

Cán bộ nguyên liệu CASUCO chụp hình lưu niệm cùng nông dân tham dự hội thảo. (Ảnh: Minh Đương)

 

Bài, ảnh: Minh Đương – Bp. Nguyên liệu CASUCO

 

 

 

 

 

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh