Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Rộn ràng xuống giống mía

Ngày: 22/12/2015 số lượt xem: 3699

Hiện trên nhiều cánh đồng mía của tỉnh, nông dân đang tất bật vệ sinh đồng ruộng để xuống giống niên vụ mía 2015-2016 trong không khí rộn ràng phấn khởi và mong mùa mía tới tiếp tục thắng lợi. 

Những ngày này, về vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh (Phụng Hiệp), không khó bắt gặp hình ảnh bà con chặt hom mía trước nhà để chuẩn bị đem ra đồng đặt; còn trên các cánh đồng, nhiều người đang đào hộc mía, vác hom, đặt hom xuống hộc; dưới kênh, thỉnh thoảng có vài chiếc ghe bán mía giống được bà con ở Sóc Trăng chở về đây phục vụ nhu cầu của người dân. Trái hẳn với không khí buồn bã của những vụ mía trước, năm nay, bà con nơi đây xuống giống trong không khí rộn ràng và phấn khởi hơn. Tranh thủ lúc nghỉ tay, ông Nguyễn Văn Sáu, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, tươi cười cho biết: “Nhờ vụ mía vừa qua bán được giá, bà con ai cũng có được nguồn lợi nhuận kha khá, hộ nào thấp nhất cũng đạt khoảng 40 triệu đồng/ha. Từ nguồn thu nhập này, nông dân có điều kiện để tái đầu tư cho mùa vụ này, nên ai nấy đều phấn khởi”.

Theo kế hoạch của niên vụ mía 2015-2016, huyện Phụng Hiệp sẽ xuống giống khoảng 7.000ha, giảm 500ha so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng địa phương, khả năng diện tích mía năm nay sẽ khó giảm mà ổn định như năm rồi. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bà con trên địa bàn huyện vừa có mùa mía “ngọt” sau nhiều năm huề vốn. Bên cạnh đó, diện tích mía hiện tại của tỉnh và khu vực ĐBSCL không còn nhiều, đây cũng là nguyên nhân chính làm giá mía tăng trong vụ vừa qua. Nhận thấy tình hình như thế, khả năng nông dân trên địa bàn huyện sẽ không giảm diện tích, mà tiếp tục gắn bó với cây mía, mong mùa mía tới tiếp tục đạt thắng lợi”. 

Giống như những mùa vụ trước, hầu hết các diện tích mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã xuống giống đến thời điểm này, bà con đều chọn trồng giống mía chín sớm ROC 16 và không loại trừ khả năng giống mía ROC 16 năm nay có thể chiếm hơn 70% tổng diện tích mía của toàn huyện, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, qua nhiều năm canh tác, người dân thấy đây là giống ngắn ngày, có thể thu hoạch sớm để tranh thủ sạ thêm vụ lúa liếp nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, nếu có điều kiện sẽ bán mía chục cho thương lái chở đi bán lẻ ép nước mía ở một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, tuy giống mía ROC 16 chỉ đạt năng suất thấp, nhưng bù lại chữ đường cao hơn các giống khác nên được thương lái mua giá cao và dễ tiêu thụ.

Ông Phạm Văn Bảy, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, cho hay: “Mấy năm trước, gia đình tôi thường trồng các giống mía thuộc nhóm K hay QĐ 11. Mặc dù cho năng suất cao, nhưng đây là các giống dài ngày nên thu hoạch muộn và thường xuyên chịu cảnh giá bán thấp hơn so với đầu vụ, khổ nhất là khi giá mía thấp thì tìm thương lái để bán rất khó khăn và phải thu hoạch mía khi bị trổ cờ, làm giảm năng suất,… Chính những trở ngại trên mà có hơn 70% bà con nơi đây đã chuyển sang trồng giống mía ROC 16 trong vụ này, riêng gia đình tôi chuyển toàn bộ hơn 1ha”.

Do nhu cầu sử dụng giống mía ROC 16 tương đối nhiều đã làm cho cung thiếu cầu, giá bán tăng lên. Cụ thể, giống mía ROC 16 hiện đang ở mức 2.000 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với cùng kỳ. Ngoài giá tăng, có thời điểm có khoảng 30% diện tích mía xuống giống đầu vụ (đầu tháng 12) ở các xã như: Hòa An, Hòa Mỹ, Phương Bình,… bị thiếu nguồn giống. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết thêm: “Do vụ thu hoạch mía vừa qua bán được giá, bà con không chủ động làm giống như trước, mà đặt giống từ các tỉnh lân cận, nhưng nguồn cung không đủ. Tuy nhiên, hiện tình hình đã được cải thiện khi lượng mía giống được các thương lái từ Sóc Trăng chở về địa phương trong những ngày gần đây ngày một nhiều, đáp ứng đủ nhu cầu cho bà con”.  

Cùng với nông dân Phụng Hiệp, hiện bà con ở thành phố Vị Thanh cũng đang tranh thủ thu hoạch vụ mía 2014-2015 và vệ sinh đồng ruộng xuống giống cho niên vụ 2015-2016. Nếu như tại vùng mía Phụng Hiệp, nông dân chuộng trồng giống mía ROC 16, thì bà con ở thành phố Vị Thanh lại thích trồng các giống thuộc nhóm K như: K 88-92, K 84-95, KK 3, KK 6,… Gặp chúng tôi khi đang đặt hom cho hơn 3 công mía của gia đình, bà Lâm Thị Thanh Nguyệt, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, thông tin: “Trước đây, bà con nơi đây cũng có đem một số giống mía khác về trồng thử, trong đó có giống ROC 16. Tuy nhiên, kết quả về năng suất và chữ đường đều không bằng so với các giống mía thuộc nhóm K. Chính vì vậy, hiện giống mía thuộc nhóm K đang là giống chủ lực tại địa phương”.

 

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 4.000ha của niên vụ mía 2015-2016, bình quân mỗi tuần xuống giống trên 1.000ha; trong đó, huyện Phụng Hiệp là địa phương có diện tích đã xuống giống nhiều nhất, với hơn 3.200ha, tập trung nhiều ở xã Tân Phước Hưng và Hiệp Hưng. Hiện tại, các trà mía trong giai đoạn dưới 1 tháng tuổi đang phát triển tốt. Qua khảo sát nắm tình hình thực tế trong dân, năm nay, thời gian bà con xuống giống mía tương đương với cùng kỳ, giá vật tư nông nghiệp đầu vụ và giá thuê nhân công đào hộc mía, đặt hom không có nhiều chênh lệch so với những năm trước. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp người dân an tâm canh tác, đồng thời kỳ vọng sẽ tiếp tục có một mùa mía “ngọt” tiếp theo trong thời gian tới...

Bài, ảnh: Hữu Phước - (báo Hậu Giang online ngày 22/12/2015)

 

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh