Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Phát triển bền vững ngành mía đường

Ngày: 26/01/2018 số lượt xem: 2543

 

Nông dân xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) trồng mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương. Ảnh: THU HẰNG

 

Thời điểm này, việc sản xuất, kinh doanh của toàn ngành mía đường vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy bán sản phẩm dưới giá thành và chấp nhận lỗ, nhưng vẫn không tiêu thụ được. Thậm chí, có nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất. Vậy, giải pháp nào cho phát triển ngành đường bền vững?

“Bí” đầu ra

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Phạm Quốc Doanh cho biết, trong niên vụ mía đường 2016-2017, do chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ bất thường ở phía bắc, hạn hán xâm nhập mặn ở các tỉnh miền trung, đồng bằng sông Cửu Long, cho nên hầu hết các nhà máy đường đều vào vụ muộn một tháng, nhưng tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. Hiện, giá đường đang ở mức rất thấp, từ 11 nghìn đến 14 nghìn đồng/kg. Một số nhà máy để có vốn quay vòng thu mua mía cho nông dân và tái hoạt động sản xuất phải bán dưới giá thành, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Một số nhà máy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã phải tạm dừng sản xuất vì càng làm càng lỗ… Mặc dù niên vụ 2017-2018 đã vào vụ gần hai tháng, nhưng lượng đường tồn của niên vụ 2016-2017 trong các nhà máy vẫn hơn 200 nghìn tấn.

Tiêu thụ đường trong nước chậm, trong khi đó, việc xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường qua các cửa khẩu phụ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, năm đầu tiên triển khai xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường, đã xuất khẩu được 52 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch cho phép xuất khẩu; năm 2013 cho phép gần 266 nghìn tấn, thực hiện được 66%; năm 2014 cho xuất 475 nghìn tấn, thực hiện được 38%; năm 2015 giảm xuống cho phép xuất hơn 246 nghìn tấn thì chỉ thực hiện được gần 87 nghìn tấn, đạt 33%; đến năm 2016 hầu như không xuất khẩu được. Từ tháng 8-2017, một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu qua một số cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai nhưng cũng chỉ xuất khẩu được vài nghìn tấn.

Song song với xuất khẩu đường sản xuất trong nước qua cửa khẩu phụ, từ năm 2015, theo đề xuất của Bộ Công thương, Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất 220 nghìn tấn đường nhập khẩu, với thời gian thực hiện tái xuất được gia hạn đến hết ngày 31-12-2017. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc tạm nhập tái xuất đường qua địa phương này cũng không mấy khả quan. Đến nay, mặc dù thời hạn tạm nhập tái xuất đường đã hết, nhưng lượng đường đã nhập về chưa xuất được sang Trung Quốc hiện còn khoảng 40 nghìn tấn.

Khơi thông cho đường

Để thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng đường, góp phần ổn định thị trường và giá cả trong nước, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường đã chủ động điều chỉnh linh hoạt giá và kế hoạch bán hàng; đồng thời phối hợp chặt chẽ các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Đối với 220 nghìn tấn đường tạm nhập tái xuất đã được Bộ Công thương cấp phép cho các doanh nghiệp tại tỉnh Lào Cai từ năm 2015, đề nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiểm tra đánh giá thực tế. Qua đó, không xem xét gia hạn đối với số lượng đường còn lại trong giấy phép chưa nhập khẩu về Việt Nam. Đồng thời, không bổ sung thêm số lượng mà tập trung xử lý dứt điểm 220 nghìn tấn đường đã được cấp phép; không bổ sung doanh nghiệp mới ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và chỉ được xuất qua các cửa khẩu, địa điểm đã được Chính phủ cho phép.

Bên cạnh đó, xem xét thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện quá ít từ năm 2015 để chuyển cho các doanh nghiệp đã được cấp phép khác, có điều kiện giao nhận tốt hơn. Riêng lượng đường đã tạm nhập, nhưng hiện đang tồn trong kho chưa tái xuất, các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện đúng quy định tại Khoản 4, Điều 11, Chương 3, Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Về lâu dài, để sản xuất, kinh doanh đường bền vững, ngành mía đường cần nỗ lực hội nhập, thực hiện các biện pháp để hạ giá thành sản phẩm, nâng năng lực cạnh tranh. Theo đó, cần tập trung giải quyết vấn đề cây mía để giảm chi phí đầu vào của chế biến đường, tức là nâng cao năng suất mía và chữ đường trong cây mía. Chính quyền các địa phương phải vào cuộc cùng các nhà máy đường tổ chức các cánh đồng mía lớn, hợp tác xã.

Trong đó đưa hộ nông dân vào hợp tác xã, tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới quy trình canh tác, hỗ trợ nông dân mua máy móc để cơ giới hóa đồng bộ. Doanh nghiệp cần hình thành trung tâm giống; có thể lựa chọn nông hộ làm hạt nhân sản xuất cây giống nhằm chấm dứt tình trạng nông dân tự để giống. Với công nghệ chế biến, cần rà soát toàn bộ để cơ cấu lại sản phẩm, vừa nâng cơ cấu sản xuất đường luyện và đa dạng các sản phẩm đường (đường lỏng, đường organic,…), cũng như các sản phẩm cạnh đường như ethanol phục vụ sản xuất xăng E5, hoặc sử dụng bã mía để sản xuất điện sinh khối…, hướng tới mục tiêu tạo được nguồn thu từ các sản phẩm cạnh đường và sau đường phải cao gấp đôi giá trị của sản phẩm đường…

trích nguồn: Báo nhân dân -MINH AN và HỒNG TRANG, ngày 25/01/2018

 
 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh