Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Trên đất mía Hậu Giang

Ngày: 17/09/2010 số lượt xem: 2147
Một căn nhà hai tầng được làm bằng… mía. Tôi đứng trên sân thượng nhìn ra bát ngát cánh đồng mía đang vào kỳ tụ mật cuối vụ. Những thân mía pha sắc vàng tím, cao lóng, đứng thẳng. Lá mía xanh mườn mượt. Đúng là ông Trương Văn Hiền đã xây được căn nhà hai tầng này từ tiền lãi do mấy vụ trồng mía gần đây.

 

* Đến với Câu lạc bộ 200
 
Ông Hiền ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, khoe: “Nhờ sự giúp đỡ của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) mà từ hàng chục năm nay xứ ruộng phèn kênh ngập này đã trở thành vùng mía chuyên canh. Ấy là hiệu quả cao trong mối gắn kết giữa nhà doanh nghiệp với nông dân. Đất trồng lúa mỗi năm chỉ một vụ bấp bênh, nghèo khó, nay đã trở thành vùng đất mía trù phú. Cũng chính vì thế mà có sự ra đời “Câu lạc bộ 200 tấn” (CLB 200). Tức là nông dân nào mỗi vụ đạt năng suất được 200 tấn mía trở lên trên diện tích 1ha mía chuyên canh thì được công nhận là thành viên của CLB 200”. Ông Trương Văn Hiền là Chủ nhiệm CLB 200 từ nhiều năm qua. Cuộc sống của người dân trồng mía bây giờ đã có nhiều cải thiện. Từ chỗ thiếu ăn, có những hộ “đứt bữa”, nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều, gia đình khấm khá cứ tăng dần sau mỗi vụ thu hoạch mía.
 
Hôm đầu tuần, biết tôi muốn đi đến vùng mía nguyên liệu, ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Casuco, nói: “Đến với bà con nông dân ở CLB 200, anh sẽ hiểu thêm về khả năng và sức phát triển của nghề trồng mía trên đất Hậu Giang”.
 
Chúng tôi đến phường Hiệp Thành (TX.Ngã Bảy), thăm nhà ông Nguyễn Văn Nhị (Năm Nhị), nông dân trồng mía giỏi trong CLB 200. Gia đình ông Năm Nhị đang trồng và chăm sóc hơn 1ha mía chuyên canh, giống mía DLM - 24 và ROC-16. Năm rồi, nhờ Casuco giúp đỡ về giống mía mới và kỹ thuật canh tác, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Ông hỏi tôi: “Anh đã đi Hiệp Thành chưa, ở đó diện tích mía còn lớn gấp nhiều lần ở đây”. Tôi nói rằng, trước hết ghé thăm ông, xem căn nhà ông mới xây dựng đến gần 200 triệu đồng, lại xem cái ti vi 27 inch mà Casuco mới tặng ông, sau đó sẽ đi Hiệp Thành bên Phụng Hiệp.
 
Năm nào Công ty Casuco cũng dồn nhiều công sức và đầu tư cho vùng mía nguyên liệu, đầu vào thiết yếu để nuôi sống các nhà máy đường. Nhìn cánh đồng mía rộng mênh mông tận chân trời, tôi cứ suy nghĩ hoài về câu nói hôm rồi của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Casuco:
 
- Nếu không tận tâm, tận lực giúp nông dân trồng mía chất lượng cao, năng suất cao, thì nhà máy đường lấy nguyên liệu ở đâu để vận hành, công ty thua lỗ, nông dân cũng đói. Vì thế, Casuco được bình chọn là “Bạn nhà nông”, đoạt các giải thưởng “Sao vàng Đất Việt” và “Thương hiệu mạnh”. Sản phẩm đường kết tinh sản xuất công nghệ cao của công ty trong nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Cả gần chục năm nay, Casuco trở thành doanh nghiệp hàng đầu ngành mía đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Tôi hỏi:
 
- Chất lượng và năng suất tùy thuộc vào giống mía và kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc. Trong các yếu tố đó, điều công ty quan tâm nhiều nhất là gì?
 
Ông Long trả lời:
 
- Giống mía. Đó là khâu đầu tiên. Để giúp nông dân trồng mía có hiệu quả trước hết phải là khâu chọn được các giống mía tối ưu, có năng suất và chữ đường cao. Hàng năm, Trung tâm giống Long Mỹ và Trại thực nghiệm Hiệp Hưng đã cung cấp nhiều giống mía mới cho bà con, được chọn ra từ trên 50 giống mía nguyên chủng. Ở niên vụ 2010 này, giống mía ưu thế cao đã chiếm đến trên 90% diện tích chuyên canh mía ở các vùng nguyên liệu. Chúng tôi áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như: vốn, giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật và thu mua. CLB 200 là mô hình phát triển có hiệu quả cao mà công ty đã cùng nông dân xây dựng từ nhiều năm qua.
 
* Doanh nghiệp và nhà nông
 
Nắng oi ả. Hơi nước từ dòng kênh phả theo gió làm dịu nắng. Tôi cùng ông Sơn và ông Hiền ra thăm ruộng mía. Ông Sơn nói với tôi:
- Từ năm 2001, Casuco đã có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2000 và cũng là doanh nghiệp mía đường đầu tiên trong cả nước có hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn Quốc tế ISO 14001:2004.
 
- Mỗi năm các anh thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân được bao nhiêu tấn?
 
- Theo công suất hiện có của hai nhà máy đường Vị Thanh và Phụng Hiệp, mỗi năm Casuco tiêu thụ trên 800.000 tấn mía nguyên liệu. Chúng tôi hạn chế đến mức thấp nhất việc thu mua mía qua tay thương lái. Nông dân từ ruộng vườn trực tiếp chở mía tươi nguyên liệu đến nhà máy. Như vậy, hai bên cùng có lợi.
 
Trò chuyện với các ông trong Ban giám đốc công ty, tôi được biết một vài kinh nghiệm bước đầu của Casuco về chính sách chất lượng - môi trường. Đó là sự tính toán kỹ khi đặt ra các tiêu chí như: sản phẩm chất lượng ổn định, chủng loại ngày càng phong phú; phát triển doanh nghiệp trên nền tảng hài hòa lợi ích khách hàng, nâng cao lợi ích của người trồng mía; vừa đẩy mạnh sản xuất vừa chú trọng xử lý chất thải đúng quy trình, quy định để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều mà tôi tâm đắc vẫn là sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân. Và ấn tượng lắng đọng là mô hình CLB 200. Ông Trương Văn Hiền chỉ mấy nông dân đang ngồi bên bàn trà ở nhà ông, giới thiệu:
 
- Đây là ông Cao Văn Thương, ông Lê Văn Ràng, bà Phan Thị Mai, ông Phan Minh Tơ, cùng là thành viên CLB 200 ở đây. Từ khi có câu lạc bộ, những gì khó khăn trong nghề trồng mía chúng tôi đều gặp nhau để bàn bạc, lại có cán bộ của công ty thường xuyên bám ruộng đồng, cùng nông dân ra đồng. Vì thế mà CLB hoạt động ngày càng có chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực.
 
Ông Hiền kéo ghế ngồi cạnh tôi, kể lại:
 
- Còn nhớ niên vụ mía 2005-2006, mía làm ra, nhưng nhu cầu của nhà máy chỉ mức độ, bà con rất lo. Nhưng nhờ có công ty bao tiêu sản phẩm, bà con cũng được nhờ. Casuco cũng không để nông dân vùng nguyên liệu của công ty phải khốn đốn. Nhiều khi sản xuất thiếu vốn, công ty còn đứng ra tín chấp cho bà con vay vốn.
 
Ông Cao Văn Thương thêm vào:
 
- Có vụ, giống mía R570 bị bệnh cháy lá, chưa đến kỳ mà bà con phải thu hoạch mía “chạy bệnh”. Năng suất và chất lượng tất nhiên bị giảm. Nhưng Casuco vẫn hỗ trợ nông dân để thuận lợi cho trả nợ và chọn giống mía mới cho vụ sau. Đất này xưa trồng lúa, do phèn và mặn, nông dân nghèo đói lắm. Từ khi có cây mía chuyên canh, rồi trở thành vùng trồng mía nguyên liệu, dân mới vượt qua được đói nghèo, mới có cơ hội làm giàu. Vụ này gặp nắng hạn kéo dài như vậy, nhưng cái giống Suphanburi 7 vẫn trụ tốt, không hề hấn gì. Giống này do Casuco tuyển chọn và cung cấp cho bà con nông dân.
 
* Ngọt ngào từ đất phèn mặn
 
Nói về bệnh cây mía, đặc điểm từng loại giống mía thì ông Võ Văn Sơn rất am tường. Bởi ông Phó tổng giám đốc công ty, từng làm Giám đốc Trung tâm khuyến nông của Casuco nhiều năm. Ông giải thích: “Trong công tác khuyến nông, tìm ra được giống mía vừa có năng suất và chỉ số chữ đường cao, lại ít bị sâu bệnh là việc không đơn giản. Ví như mất nhiều thời gian mới có được giống mía QĐ11 và VĐ86-368 cho năng suất khá cao. Nhưng hiềm một nỗi, hai giống mía này lại có bệnh than và bệnh sâu đục thân. Thế là phải thay giống khác cho bà con trồng mía”.
 
Hình thành nên trung tâm khuyến nông này xuất phát từ quan điểm gắn kết nông - công nghiệp, doanh nghiệp - nông dân, hạch toán đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Ông Sơn lý giải: “Không có nông dân trồng mía thì không có nguyên liệu cho nhà máy đường sản xuất. Nếu như chỉ trông chờ mua mía của nông dân thì nhiều khi nhà máy không thể chủ động nguyên liệu, chất lượng sản phẩm kém và ngược lại”. Theo tính toán của Casuco, bình quân cứ 10 - 11kg mía cho 1kg đường. Như vậy, để có 1 tấn đường, nhà máy phải thu mua, chế biến 11 tấn mía nguyên liệu. Năm 2009, Casuco thu mua gần 800.000 tấn mía, cho sản lượng trên 66.000 tấn đường hàng hóa. Cả vùng này bây giờ đã trở thành đất mía chuyên canh của Hậu Giang. Ngoài Hậu Giang, Casuco còn giúp nông dân xây dựng thêm vùng mía nguyên liệu ở Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang).
 
Nghề mía đường, nghe rất ngọt ngào, nhưng người trồng mía và cả doanh nghiệp chuyên ngành phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được vòng quay niên vụ mía đường hoàn hảo. Có gian nan, có cơ cực, tính toán nhiều khi đau đầu, nhưng vụ mía là ngọt ngào, đường tinh chế trắng tinh, thanh khiết.
 
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc - người đã nhiều năm, nhiều công sức để đưa Casuco phát triển, tâm đắc nói: “Đất nhiễm phèn, xâm mặn ở Hậu Giang đã trở thành đất mía, vì thế Casuco càng phải trụ vững để phát triển, càng thương nông dân càng phải quan tâm đến họ và làm ăn đàng hoàng, minh bạch”.
 
 
Bài, ảnh: Bùi Văn Bồng - nguồn Báo Hậu Giang

 

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh