Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Đồng bằng sông Cửu Long Khởi động vụ mía mới

Ngày: 28/09/2010 số lượt xem: 1978
Vụ mía năm 2010-2011 năm nay đến muộn hơn năm trước, nhưng các nhà máy đường trong tỉnh đã sẵn sàng trong việc tập kết nguyên liệu, tổ chức mạng lưới thu mua để bước vào vụ ép mới.

 
 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Trong niên vụ mía này toàn tỉnh trồng được 13.173 ha. Do dự báo mùa lũ năm nay đến chậm hơn nên các nhà máy đường trong tỉnh vào hoạt động trễ hơn khoảng nửa tháng so với năm trước. Thời gian qua, sở cùng một số ngành chức năng tiến hành đo chữ đường ở vùng mía Phụng Hiệp, kết quả mía mới đạt 6,7 CCS, còn đối với ROC16 là 8 CCS. Giá thành sản xuất mía niên vụ này sau khi tính toán đã lên đến 600-700 đ/kg. Như vậy, để đảm bảo cho nông dân có lãi khoảng 40% trở lên, thì giá khởi điểm thu mua của các nhà máy đường đầu niên vụ 2010-2011 phải từ 840-980 đ/kg. Về lâu dài tỉnh đang quy hoạch vùng nguyên liệu mía từ 17.000-20.000 ha để đảm bảo cho 3 nhà máy trong tỉnh đủ nguyên liệu sản xuất. Theo đó, đối với các nhà máy ngoài tỉnh, muốn thu mua nguyên liệu trên địa bàn tỉnh thì phải đăng ký với tỉnh và phải có chính sách đầu tư, bao tiêu vùng nguyên liệu để tránh tình trạng nhà máy trong tỉnh đầu tư, nhà máy ngoài tỉnh đến thu tóm nguyên liệu.
 
Mới đây, tại cuộc họp tiểu vùng, 10 giám đốc nhà máy đều đồng thuận và hứa sẽ thực hiện đúng cam kết. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Nhà máy đường Ấn Độ khẳng định: “Niên vụ này Nhà máy đường Ấn Độ cam kết không mua mía non, mía kém chất lượng, thống nhất mua theo chữ đường và không phá giá khi đến chia sẻ nguyên liệu ngoài tỉnh”. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế thì hệ thống thương lái của công ty này đã bắt đầu đến vùng nguyên liệu của Hậu Giang và đang thu mua với giá 750-800 đồng mía “xô” tại rẫy. Mặt khác, theo biên bản đã ký kết các nhà máy thì nhà máy này đăng ký vào vụ khoảng ngày 5 đến 10-10 mới vào ép, thế nhưng tại cuộc họp tiểu vùng, ông Thanh đã báo cáo lại là sẽ đi vào sản xuất ngày 26-9. Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp lo lắng: “Nếu các nhà máy đường ùn ùn vào vụ sẽ tái lập tình trạng đốn mía non không hiệu quả. Đối với các nhà máy khi đã cam kết thời gian vào vụ, sản lượng đăng ký thu mua tại vùng Phụng Hiệp thì phải thực hiện đúng thỏa ước, có như vậy, vụ ép năm nay mới mang lại hiệu quả cao”. Ông Huỳnh Văn Măng, Phó Giám đốc nguyên liệu, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) phân tích thêm: Hiện tại chỉ có vùng mía Phụng Hiệp, Ngã Bảy là có lũ về với diện tích toàn vùng khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, diện tích đất liếp trồng được khoảng 70%, còn lại là ao mương thì số còn lại chỉ 6.000 ha, với năng suất bình quân 120 tấn/ha, sản lượng đạt 700.000 tấn, với công suất của 3 nhà máy đường trong tỉnh hiện nay chỉ ép trong thời gian 3 tháng là hết mía. Vì vậy, việc các nhà máy khác đến thu mua cần phải cân nhắc và có kế hoạch cụ thể để tránh tình trạng thiếu mía cuối vụ trầm trọng như năm trước.
Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Vụ mía năm nay ngành đã phối hợp với Casuco chuyển giao khoa học, giúp dân chuyển đổi giống mía mới có năng suất, chữ đường cao, tuyển chọn các giống mía nổi trội phù hợp với địa phương như: DLM24, ROC16, ROC10, ROC22, QĐ11, VĐ84-4137, K84-200... Ngoài ra, còn thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu mía nên sản lượng mía năm nay đạt từ 1,1-1,3 triệu tấn, đang hứa hẹn một mùa bội thu.
 
Ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Qua điều tra thực tế diện tích mía niên vụ 2010-2011 ở ĐBSCL hiện là 48.000 ha, ước tổng sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. Qua đăng ký của 10 nhà máy đường cần đến 3,6 triệu tấn. Như vậy, sẽ thiếu khoảng 400.000 tấn so với thời gian mà các nhà máy dự kiến ép là 5 tháng. Một phần do mùa mưa năm nay đến trễ, một số vùng mía ở tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh mía bị chết làm ảnh hưởng diện tích và năng suất mía. Ông Châu cho rằng, để khắc phục tình trạng này, năm nay các nhà máy thống nhất vào vụ chậm lại để mía đến tuổi chín mới thu hoạch, nhằm tăng tỷ lệ thu hồi đường trong mía. Các nhà máy sẽ phối hợp tốt trong công tác thu mua, rút ngắn thời gian thu hoạch, để giảm các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất. bên cạnh đó, đưa ra các chính sách, phương thức thu mua, cách đo CCS, giá thu mua; đồng thời tiến hành kiểm tra chéo việc chấp hành nghị quyết của các nhà máy. Khi vào vụ, hiệp hội sẽ cử ra một bộ phận giám sát để kiểm tra tạp chất và chữ đường để tránh tình trạng mía quá nhiều tạp chất làm cho nhà máy và người trồng mía đều không được lợi, vì năm nay các nhà máy đều mua theo CCS. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các nhà máy khi kiểm tra tạp chất thì phải đánh giá tạp chất thực tế, còn đối với chữ đường thì phải trang bị máy kiểm tra và lấy mẫu toàn bộ lô mía để có kết quả chính xác nhất.
 
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ cho rằng: Hiện tại, vùng mía nguyên liệu Hậu Giang còn nhiều giống mía chưa đạt được 8 CCS, thậm chí có những giống còn rất non chỉ 3-4 CCS. Chính vì vậy, các nhà máy cần tuân thủ cam kết thời gian vào vụ sản xuất như đã đăng ký. Mặt khác, các nhà máy đường tránh tình trạng mua mía trong vùng giá thấp, ngoài vùng giá cao để đảm bảo cho người trồng mía có lãi từ 40% trở lên. Đối với vùng nguyên liệu của các nhà máy hiện nay cũng có giới hạn, vì vậy phải ưu tiên xây dựng vùng nguyên liệu gần nhà máy. Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm vụ ép vừa qua, năm nay các nhà máy vào vụ muộn hơn để chờ mía chín. Tuy nhiên, hiện thời do mía được giá, nhiều bà con nông dân vẫn còn bón phân, thúc mía làm cho mía chín muộn hơn. Đối với các nhà máy ngoài tỉnh vào thu mua nguyên liệu ở vùng Phụng Hiệp, Ngã Bảy nếu không có kế hoạch sẽ làm ảnh hưởng rất lớn cho địa phương.
 

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy hải sản và nghề muối yêu cầu các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL phải thực hiện đúng cam kết lịch sản xuất của từng nhà máy đã đăng ký. Theo đó, Nhà máy đường Long Mỹ Phát, Nhà máy đường Phụng Hiệp, Nhà máy đường Vị Thanh sẽ chính thức ép vào ngày 24-9-2010; Cà Mau vào vụ từ ngày 25 đến 30-9; Kiên Giang, Trà Vinh vào vụ từ ngày 1 đến 5-10; Nhà máy đường Bến Tre, Sóc Trăng, Ấn Độ khởi động trong khoảng ngày 5 đến 10-10; Nhà máy đường Hiệp Hòa sẽ đi vào hoạt động vào trung tuần tháng 10. Trong việc chia sẻ nguyên liệu giữa các nhà máy, phải báo cáo cho lãnh đạo tiểu vùng và báo cáo cho Sở NN&PTNT Hậu Giang. Tất cả nhà máy ngoài vùng nguyên liệu của Hậu Giang không được tùy tiện thu mua nguyên liệu mà chưa đăng ký với ngành nông nghiệp và hiệp hội. Ngoài ra, để khuyến khích nông dân không bỏ mía thì các nhà máy đường phải đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía từ 30-40%. Theo đó, các nhà máy đã thống nhất 1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại bàn cân nhà máy. Đồng thời, tỉnh cần tính toán và có kế hoạch xây dựng đê bao khép kín cho vùng nguyên liệu mía để mang lại hiệu quả cao hơn thay vì thu hoạch chạy lũ để gieo sạ lại vụ lúa liếp...

Theo Báo Hậu Giang.

 

 

Bài, ảnh: Hoài Thu - Báo Hậu Giang

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh