Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Canh tác lúa, mía ở vùng đất phèn vẫn đạt hiệu quả cao

Ngày: 15/01/2016 số lượt xem: 2363

 Lúa, mía là 2 cây trồng chủ lực của huyện Phụng Hiệp từ nhiều năm nay. Vì vậy, để cải thiện năng lực sản xuất lúa, mía cho người dân vùng nông thôn, cử nhân Nguyễn Thanh Tuyền, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng các mô hình chuyên canh lúa, mía cho vùng đất phèn thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”.

Description: http://www.baohaugiang.com.vn/database/image/2016/01/15/1927-14.jpg

Dự án hỗ trợ nấm xanh, giúp nông dân phòng trừ dịch hại trên lúa, mía, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Cử nhân Nguyễn Thanh Tuyền cho biết: Chúng tôi đã chọn xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, để thực hiện dự án, bởi đây là vùng đất phèn, trũng, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Hoạt động chính của dự án hướng đến cải thiện năng lực, trình độ về canh tác lúa, mía cho bà con trong vùng. Với mục tiêu thành lập mô hình sản xuất lúa quy mô 30ha và mô hình sản xuất mía 15ha có ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân.

Sau thời gian chọn địa điểm, chọn hộ tham gia dự án, Ban chủ nhiệm dự án đã tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như quản lý dịch hại bằng biện pháp sinh học (chế phẩm Trchoderma sp. để phân hủy rơm rạ đầu vụ phòng ngừa ngộ độc hữu cơ trên lúa, dùng nấm tím Paecilomyces sp. để phòng rệp sáp trên mía; sử dụng các chế phẩm nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa và rầy đầu vàng hại mía; khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” quản lý dinh dưỡng tổng hợp, bón phân vô cơ và hữu cơ kết hợp; ứng dụng biện pháp IPM (xử lý đất, giống, mật độ canh tác hợp lý) nhằm đảm bảo số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và nhất là cải tiến khâu thu hoạch làm giảm tỷ lệ hao hụt ở mức độ tối thiểu nhất.

Sau hơn 2 năm ròng rã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân, chủ nhiệm dự án và nhóm nghiên cứu đã tổ chức được 12 lớp tập huấn cho 531 nông dân tham dự. Hơn 60 hộ dân được chọn tham gia dự án ở ấp Phương Lạc và Phương An (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) đã dần quen với khoa học, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất. Các tiến bộ khoa học đã từng bước thay đổi thói quen sản xuất cũ của nông dân, giúp tăng năng suất lúa, mía, được người dân đồng tình ủng hộ. Hộ ông Phạm Văn Hải, ở ấp Phương Lạc, tham gia mô hình trồng mía của dự án, cho biết: “Tham gia mô hình cũng được lợi nhiều thứ là được hỗ trợ phân, giống, chế phẩm sinh học phòng bệnh cho cây nên chi phí đầu tư thấp xuống, lại đảm bảo môi trường sống vì ít dùng thuốc bảo vệ thực vật. Vụ mía năm 2014, gia đình tôi thu lợi nhuận gần 39 triệu đồng/ha, cao hơn gần gấp đôi so với cách làm cũ trước kia”.

Theo các nông dân tham gia dự án, do không nhận biết được yếu tố hạn chế trong đất có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Thêm vào đó, quy trình canh tác của bà con chưa phù hợp nên chưa phát huy hết hiệu quả của phân bón. Chẳng hạn, đất phèn bị chua do pH thấp, vấn đề đầu tiên là phải tìm giải pháp hóa giải để tăng pH thì một số hộ lại bón nhiều phân đạm ở đầu vụ. Nhờ tham gia dự án, nông dân đã rút được nhiều kinh nghiệm canh tác trên đất phèn hiệu quả. Trong đó, ứng dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm hạn chế độ phèn và tăng hiệu suất sử dụng phân bón như: “ém phèn”, sạ ngầm, điều tiết nước hợp lý, bón phân hợp lý. Ông Lê Văn Hiền, ở ấp Phương An, tâm đắc: “Sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón ruộng và dùng nấm xanh giúp cây lúa ít bệnh, năng suất cao. Bên cạnh đó, còn làm tăng hiệu quả sử dụng của phân vô cơ, từ đó làm giảm số lượng sử dụng phân vô cơ. Mức lợi nhuận sau khi đã trừ chi phí của ruộng tăng khoảng hơn 10% so với trước khi tham gia dự án”.

Nhìn chung, dự án đã góp phần cải hóa đất phèn Phụng Hiệp. 30ha đất trồng lúa của dự án nhờ áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm”, bón phân hữu cơ khoáng cải tạo đất đã giúp năng suất lúa tăng lên 12% (vượt 2% so với kế hoạch chủ nhiệm đề ra). Còn mô hình chuyên canh mía quy mô 15ha với kỹ thuật canh tác mía lưu gốc, quản lý dịch hại, ứng dụng chế phẩm nấm xanh trừ rầy đầu vàng,... đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, sản xuất an toàn. Từ đó, lợi nhuận cũng tăng lên 15,35%, vượt kế hoạch ban đầu hơn 5%. Chính vì vậy, nhiều nông dân tham gia dự án tiếp tục đề nghị chủ nhiệm dự án tiếp tục triển khai, tập huấn để nhiều nông dân được học hỏi, canh tác hiệu quả, gắn bó hơn với nông nghiệp.

Trích nguồn: Báo Hậu Giang- Bài, ảnh: TRÚC LINH

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh