Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Cần hoàn thiện quy hoạch và phân chia vùng mía nguyên liệu cho các nhà máy

Ngày: 14/12/2010 số lượt xem: 1986
Sáng ngày 7-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Bá Bổng chủ trì cuộc họp giao ban về sản xuất, tiêu thụ mía đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và miền Đông Nam bộ (ĐNB), tại Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.

 
 

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 30-11-2010, cả nước đã có 23/38 nhà máy đường vào vụ sản xuất. Tại khu ĐBSCL và miền ĐNB có 15 nhà máy đều đã vào vụ sản xuất và đã ép được gần 710 ngàn tấn mía với sản lượng 52,6 ngàn tấn đường. Giá mía loại 10CCS ở ĐBSCL được thu mua tại ruộng hiện nay từ 1.140-1.200 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 1.400 đồng/kg, cao hơn so với tháng 10-2010 từ 50-100 đồng/kg. Riêng tại khu vực ĐNB, giá mía bình quân từ 950-1.000 đồng/kg. Giá đường bán buôn từ tháng 8 đến nay vẫn giữ ở mức khá cao và hiện nay, giá đường giao dịch tại TP Hồ Chí Minh từ 19.600-20.000 đồng/kg.
Tại buổi họp giao ban, nhiều đại biểu cho rằng: Vấn đề phân chia và quản lý vùng nguyên liệu vẫn còn khá phức tạp. Chất lượng mía thấp làm giảm hiệu quả sản xuất của nhà máy và cả nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách thu mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy chưa thống nhất dẫn đến chất lượng mía không ổn định. Ngoài ra, chất lượng mía kém cũng do ảnh hưởng của việc thiếu lao động thu hoạch, nhất là tại những vùng ngập lũ... Vì thế, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu đưa cơ giới phục vụ thu hoạch mía để giảm áp lực về nhân công khi vào vụ rộ. Vụ mía đường năm nay, tuy vào vụ trễ hơn 1 tháng, nhưng theo báo cáo từ các nhà máy, chữ đường vẫn không cao, dao động từ 7-9 CCS. Chính chất lượng mía không đạt nên hiệu suất thu hồi đường đạt thấp từ 13-14kg mía mới cho 1 kg đường. Do đó, có khả năng cả nước chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn đường trong niên vụ này.
Nhằm hạn chế tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy, tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng lưu ý, các tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất theo quy trình VietGAP và có sự phân chia vùng mía nguyên liệu cho các nhà máy. Nếu giữ vững được diện tích mía như hiện nay, đồng thời nâng cao được năng suất, chữ đường thì với diện tích 250 ngàn héc-ta mía, cả nước không những chủ động được nhu cầu đường trong nước mà còn có dư để xuất khẩu.

                                                                XUÂN TRƯỜNG

 

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh