(CASUCO) Trước tình trạng thiếu nhân công trong canh tác mía thay vì chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn khi giá thuê mướn tăng cao, một lão nông với hơn 40 năm kinh nghiệm trồng mía rất tâm huyết với nghề đã mạnh dạn đầu tư máy cơ giới hóa (CGH) và đem lại kết quả rất khả quan. Lão nông đó là ông Trần Văn Hùng ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Những năm qua, CASUCO đã đầu tư mua sắm máy móc để canh tác mía trong công đoạn đào hộc, vô chân và cho trình diễn ở các địa phương trong vùng nguyên liệu. Mặc dù thích thú nhưng người dân canh tác mía vẫn chưa dám tự đầu tư CGH cho riêng mình.
Là nông dân gắn bó với cây mía từ rất lâu đời, trong một lần tham gia hội thảo trên cây mía nghe nói về máy CGH, nông dân trồng mía Trần Văn Hùng mặc dù chưa từng trãi qua trường lớp về máy xới nhưng đã mạnh dạn tìm tòi thông tin về máy móc và sắm cho mình một máy xới về sử dụng.
Ông Trần Văn Hùng – thành viên CLB200 của CASUCO, lão nông có nhiều tiến bộ trong canh tác mía (ảnh: Mỹ Anh)
Tuy nhiên, máy xăng 7,5 Hp (mã lực) đem về vẫn chưa thể sử dụng được do máy không phù hợp với đặc tính đất và kiểu canh tác của địa phương. Tưởng như chùng bước trước sự khó khăn nhưng người nông dân này bằng sự tư duy và tâm huyết của mình đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu máy từ hộp số, làm bộ lưỡi xới, thay nhông cho tương ứng với mã lực máy,…Ông cho biết “ phải thử tới thử lui nhiều lần, chẳng hạn lưỡi xới làm không được phải tháo ra chế lưỡi khác rồi chạy thử, nếu không được phải tháo ra rồi làm lại,…”. Sau vài tháng, máy đứng yên ngày nào đã trơn tru đi vào hoạt động.
Chiếc máy hiện tại được làm gọn nhẹ có trọng lượng khoảng 100kg, máy chạy rất mạnh, vận hành nhẹ nhàng, đánh hộc sâu cạn tùy ý người sử dụng, vô chân đất tơi xốp. Chi phí mua máy và cải tiến để phù hợp khoảng 18 triệu/máy.
Hướng dẫn sử dụng máy cơ giới hóa cho bà con trồng mía (ảnh: Mỹ Anh)
Theo tính toán nếu vô chân mía bằng máy thì một ngày một người vận hành máy vô chân được 3.000 m2 đất, tiêu tốn 12 lít xăng, công lái máy khoảng 250.000 đồng/ ngày, tiêu tốn trung bình 150.000 đồng/1.000 m2.Trong khi đó, nếu vô chân khỏa bằng thủ công thì tiền thuê mướn là 350.000 đồng/1.000 m2.
Mía sau khi được vô chân khỏa bằng máy cơ giới hóa (ảnh: Mỹ Anh)
Được biết ông Trần Văn Hùng là thành viên CLB200 2 năm liền, trong năm vừa qua ông được nằm trong Top những hộ dân trồng mía có năng suất chất lượng cao được CASUCO tặng máy phun thuốc. Năng suất mía thực tế của ông trung bình 190 tấn/ha và chữ đường từ 11 – 13 CCS. Ngoài ra, ông còn bán mía trực tiếp cho nhà máy của CASUCO thu lại lợi nhuận cao.
Đông đảo bà con trồng mía đến tham dự hội thảo vô chân mía bằng máy cơ giới hóa (ảnh: Mỹ Anh)
Nhìn rẫy mía hơn 3 tháng tuổi phát triển xanh tốt, bà con đến tham dự hội thảo không khỏi trầm trồ. Ông Nguyễn Thành Phương, một nông dân trồng mía ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đánh giá “ việc canh tác mía bằng CGH không đơn giản mà phải nghiên cứu và cải tạo đất liếp, máy móc. Khi áp dụng CGH vào đồng ruộng giúp giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả phân bón, tăng năng suất, giải quyết được bài toán nhân công và kịp thời vụ trồng”
Không dừng lại ở đó, qua trao đổi và chia sẽ ông Trần Văn Hùng cho biết ông sẽ nghiên cứu đến máy thu hoạch mía. Đồng thời, ông sẵn sàng giúp đỡ bà con nào có nhu cầu học tập, sữa chữa máy móc để áp dụng CGH vào canh tác mía.
Bài, ảnh: Bộ phận Khuyến Nông