Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Khi nông dân đặt niềm tin vào cây mía

Ngày: 03/10/2016 số lượt xem: 1985

15/09/2016 09:20:10

Khi giá xuống thấp, nhiều nông dân đã quay lưng với cây mía. Tuy nhiên, vẫn còn có những người luôn nỗ lực từng ngày để giữ cho màu xanh của cây mía trên vùng đất Phụng Hiệp. Trong số đó, phải kể đến ông Đặng Văn Triệu, người mới đắc cử Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm (CLB 200 tấn).

Với tình yêu dành cho cây mía, ông Triệu và các thành viên HTX mía Tân Tiến đang chắp cánh cho cây mía vươn xa hơn.

Gắn bó với cây mía gần cả một đời người, những năm cây mía mất giá, thay vì giống như nhiều nông dân khác bỏ mía chuyển sang cây trồng khác thì ông Đặng Văn Triệu, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, lại quyết tâm bám trụ với cây trồng này. Không chỉ nỗ lực cải thiện năng suất mía của gia đình, mà ông còn đứng ra thành lập CLB sản xuất mía rồi nâng lên thành HTX mía Tân Tiến vào năm 2011, với 20 thành viên, diện tích canh tác trên 35ha. Ông Triệu cho biết: “Trong các loại cây trồng ở Phụng Hiệp hiện nay, duy nhất chỉ có cây mía được bao tiêu. Còn lại các loại cây như: cam, quýt… không được bao tiêu nên thường bấp bênh về đầu ra. Chính vì thế mà tôi vẫn gắn bó với cây mía, dù những năm qua cây mía luôn mất giá”.

Cũng theo ông Triệu, dù mía mất giá nhưng nếu người nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất và chất lượng mía thì cũng mang lại lợi nhuận. Bởi khi xuống giống, cây mía được 3-4 tháng tuổi thì các nhà máy đường đã công bố giá thu mua mía. Nếu năm nào giá mía cao thì mình đầu tư nhiều để mía đạt năng suất cao, còn nếu năm nào giá thấp thì đầu tư ít lại, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất. Chính từ cách làm này, những năm qua dù giá không ổn định nhưng các thành viên HTX mía Tân Tiến vẫn ăn nên làm ra.

Không chỉ lo chăm bẵm cho diện tích mía hơn 1ha của gia đình, mà với lợi thế được đi nhiều nơi, được tham dự những lớp tập huấn kỹ thuật trồng mía do ngành nông nghiệp và các nhà máy đường tổ chức, khi về người nông dân này lại triển khai cho các xã viên của mình. Hàng năm, sau mỗi vụ mía đều có đánh giá rút kinh nghiệm, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để nhân rộng trong HTX. Với cách làm này, mà hiện nay trong 20 thành viên của HTX đã có đến 50% xã viên sản xuất mía đạt năng suất 200 tấn/ha. Anh Nguyễn Thành Trúc, thành viên HTX mía Tân Tiến, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Là một người có quyết tâm gắn bó vói cây mía nên ông Triệu đã đi học hỏi nhiều nơi về kỹ thuật trồng mía, thu thập những thông tin hay, những kỹ thuật mới về triển khai cho các xã viên chúng tôi làm theo. Không chỉ giảm được giá thành sản xuất, mà năng suất mía mỗi năm đều tăng hơn với thời điểm chưa vào HTX. Hàng năm khi thu hoạch mía xong, hạch toán lại thì thu nhập của các xã viên trong HTX luôn ở mức cao hơn bên ngoài từ 20-30%.

Ông Triệu cho biết thêm: “Vai trò là chủ nhiệm, người đứng đầu Câu lạc bộ 200 tấn nên mục tiêu bản thân là làm thế nào để tạo nguồn lợi nhuận cho thành viên của mình. Bản thân luôn tìm tòi những giống mía mới, hay những loại phân bón phù hợp với cây mía về triển khai sản xuất thí điểm, nếu có hiệu quả sẽ được nhân rộng trong câu lạc bộ. Bên cạnh đó, cũng kiến nghị bộ phận khuyến nông của Casuco hàng năm mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác mía cho các thành viên để họ nắm bắt kỹ thuật canh tác mới nhằm hạ giá thành, tăng lợi nhuận, góp phần cải thiện đời sống người trồng mía”.

Với tâm huyết của một nhà nông yêu cây mía, tới đây, không chỉ HTX Tân Tiến được quy hoạch xây dựng thí điểm Cánh đồng mía lớn đầu tiên của tỉnh Hậu Giang, mà vừa qua, tại đại hội Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2020, ông Triệu còn được đại hội tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, giá mía bấp bênh nên không ít nông dân chuyển mía sang trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó có những hộ dân quyết gắn bó với cây mía, trong đó ông Đặng Văn Triệu là một điển hình. Ông không chỉ giỏi trong sản xuất mía, mà với uy tín của mình ông gắn kết nông dân lại sản xuất mía theo hình thức tập thể để hạ giá thành. Tới đây, khi Phụng Hiệp tiến hành xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía, thật sự cần những người như ông Triệu để thực hiện công tác tuyên truyền, dìu dắt người dân cùng tham gia hình thức sản xuất mới.

Một khi người nông dân vẫn còn niềm tin vào cây mía, đặt cả tâm huyết vào loại cây trồng này thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng thì cây mía cũng sẽ mang lại vị ngọt cho chính những người trân trọng nó. Trường hợp của ông Triệu là một ví dụ điển hình nhất.

Ngày 15/9/2016,Bài, ảnh: THANH DUY - Báo Hậu Giang

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh