Tin tức - Sự kiện » Thời sự

ĐBSCL: Nông dân trồng mía đã có lãi sau ba năm thua lỗ

Ngày: 19/10/2015 số lượt xem: 2824
(TBKTSG Online) - Sau ba năm liên tiếp thua lỗ hoặc chỉ hoà vốn, nông dân trồng mía ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có một vụ sản xuất đạt lợi nhuận khá nhờ doanh nghiệp nâng giá thu mua do thiếu hụt nguyên liệu.
 
Nông dân trồng mía ở ĐBSCL đã có lãi khá sau ba năm thua lỗ liên tiếp. Trong ảnh là nông dân Hậu Giang đang thu hoạch mía - Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là nơi có diện tích sản xuất mía lớn nhất ở ĐBSCL hiện nay, khẳng định: “Tính đến thời điểm này, vụ mía năm nay, nông dân sản xuất có lãi ít nhất cũng 30 triệu đồng/héc ta.”

 

Theo ông Tự, năm nay huyện Phụng Hiệp xuống giống được hơn 7.800 héc ta mía các loại, giảm 500 héc ta so với năm ngoái. “Chính vì diện tích sản xuất sụt giảm nên sản lượng mía nguyên liệu cũng giảm theo, do đó các nhà máy đường đã đẩy giá mua lên nhằm thu gom mía nguyên liệu dẫn đến nông dân được lợi,” ông Tự giải thích.

Thực tế, bà con nông dân trồng mía ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết mía nguyên liệu hiện được các doanh nghiệp mua vào với giá 1.100-1.150 đồng/kg đối với giống ROC 16 và 900-950 đồng/kg đối với các giống ROC 11, ROC 13, tăng 200-300 đồng/kg so với vụ năm ngoái.

Tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này, cho biết hiện mía nguyên liệu cũng được doanh nghiệp thu mua với giá phổ biến khoảng 900-1.000 đồng/kg, tăng khoảng 250-300 đồng/kg so với vụ năm ngoái.

Theo ông Tâm, diện tích sản xuất mía sụt giảm (vụ năm nay giảm 250 héc ta so với năm ngoái) dẫn đến các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu nên đã đẩy giá mua lên cao để cạnh tranh nguồn cung. “Và điều này cũng đã giúp nông dân thu được lợi nhuận khá trong vụ này,” ông nói.

Còn theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2015-2016, toàn vùng ĐBSCL đã trồng được khoảng 41.890 héc ta mía, giảm đến hơn 6.000 héc ta so với niên vụ trước. Trong khi đó, ông Tự của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết năng suất vụ mía năm nay của địa phương đạt khoảng 105-110 tấn/héc ta. Như vậy, nhiều khả năng, sản lượng mía năm nay của toàn vùng ĐBSCL sẽ giảm khoảng từ 630.000-660.000 tấn.

Về lượng đường tồn kho, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tính đến ngày 15-9, lượng hàng tồn tại các nhà máy là 158.300 tấn, giảm hơn 120.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc đường tồn kho giảm mạnh cũng là một động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua mía nguyên liệu cho sản xuất, cho nên dự báo thời gian tới tình hình tiêu thụ mía nguyên liệu sẽ tiếp tục khả quan, cả về tiến độ thu hoạch lẫn giá bán.

  

 theo Trung Chánh- Thời báo KinhtesaigonOnline

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh