Tin tức - Sự kiện » Thời sự

Điểm sáng cho mô hình trồng mía

Ngày: 04/11/2016 số lượt xem: 1994

 Qua 11 năm thành lập, Câu lạc bộ Trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha/năm (CLB 200) do Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) khởi xướng đã và đang tiếp tục vững tiến đi lên, đồng thời trở thành điểm sáng về mô hình sản xuất hiệu quả tại các vùng mía nguyên liệu trong và ngoài tỉnh. 

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan (bìa phải) trao giấy chứng nhận thành viên CLB 200 cho các cá nhân vào dịp tổng kết hoạt động CLB trong vụ mía 2015-2016.

Mục tiêu chính của việc thành lập CLB 200 là Casuco muốn tập hợp những nông dân có năng lực sản xuất mía lại để có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển sản xuất. Đồng thời thông qua CLB 200, Casuco muốn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác mới cho người trồng mía.

Nơi ứng dụng khoa học kỹ thuật mới

Trên thực tế, từ khi thành lập CLB 200 đến nay, cán bộ khuyến nông của Casuco đã làm rất tốt việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Qua đó, từng bước làm thay đổi hoàn toàn cả về năng suất và chất lượng nguồn mía nguyên liệu so với trước đây. Ông Huỳnh Văn Măng, Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết: Hiện năng suất mía bình quân của người dân trên địa bàn tỉnh đạt từ 110-115 tấn/ha, riêng các thành viên trong CLB 200 đạt trên 200 tấn/ha, tăng hơn 40 tấn/ha so với thời điểm 2006. Bên cạnh đó, chữ đường (CCS) bình quân hiện cũng tăng từ 7-8 CCS (2006) lên 9-10 CCS.

Để có được kết quả trên thì một trong những yếu tố quan trọng là Casuco đã đẩy mạnh nghiên cứu và giới thiệu đến bà con nhiều giống mía mới chất lượng sau khi trại thực nghiệm của đơn vị này trồng khảo nghiệm và được ghi nhận đạt kết quả tốt nhất. Hiện một số giống như: ROC 16, ROC 22, QĐ 11, VĐ 86-368, hay các giống thuộc nhóm K, Suphanburi 7, pháp vàng… được nông dân tại các vùng mía nguyên liệu của tỉnh trồng khá nhiều nhằm thay thế giống mía cũ là Hòa Lan Tím (CO), kể cả các giống mía đã bị thoái hóa.

Ông Nguyễn Văn Lắm, thành viên CLB 200, ở ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Vào năm 2012, nhờ được cán bộ khuyến nông Casuco giới thiệu giống mía K 94 - 2 - 483 trong một cuộc hội thảo do Casuco tổ chức mà quá trình canh tác mía của tôi đã chuyển sang bước ngoặt mới. Bởi năng suất, chất lượng được nâng lên đáng kể, nhất là nhiều năm liền tôi đều nằm trong danh sách thành viên của CLB 200. Riêng vụ mía 2015-2016 vừa qua, năng suất mía của tôi đạt gần 210 tấn/ha, chữ đường đạt gần 10,5 CCS, năng suất đường là 21,8 tấn/ha. Từ một nông dân nghèo khó, nay tôi đã có cuộc sống ổn định hơn”.

Cùng với việc thay đổi giống mía mới, cán bộ khuyến nông Casuco còn thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng mía hàng đôi, mía lưu gốc, mía xen canh màu, cũng như các biện pháp bón phân cân đối, góp phần tiết giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, để giải quyết bài toán về thiếu nhân công lao động ở nông thôn như hiện nay, Casuco còn đẩy mạnh hướng dẫn người dân đưa cơ giới hóa vào quá trình canh tác. Đáng kể là hàng năm, cứ vào dịp tổng kết hoạt động của CLB 200, lãnh đạo Casuco đều dành một phần kinh phí nhất định để khen thưởng cho các thành viên có thành tích tốt trong sản xuất mía. Trong đó, có những phần quà là máy xới đất cải tiến loại nhỏ và lớn với chi phí hàng chục triệu đồng mỗi chiếc để tặng nông dân sử dụng làm phương tiện đào hộc và vô chân mía.

Ông Kiều Công Khanh, ở khu vực 8, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, là một trong những thành viên của CLB 200 được nhận máy xới cải tiến do Casuco trao tặng trong vụ mía 2014-2015, cho hay: “Từ khi có chiếc máy xới cải tiến, công việc trồng mía của gia đình được thuận lợi và nhanh chóng hơn, vì không còn phải phụ thuộc nhiều vào số lượng nhân công lao động. Cho nên chỉ cần 1, thay vì 4-5 người như trước kia vẫn có thể thực hiện được công đoạn này. Kéo theo chi phí giảm hơn 8,5 triệu đồng/ha so với làm thủ công do tiết kiệm việc đào hộc và vô chân mía đến 2 lần”.

Tạo cầu nối giữa những người trồng mía

Ngoài tập trung vào công tác thi đua phát triển sản xuất để mang hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, thời gian qua, các thành viên trong CLB 200 còn thường xuyên vận động người dân tại địa phương cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng mía thông qua những lần đi tham quan, học tập mô hình sản xuất mía hiệu quả trong và ngoài tỉnh do Casuco tổ chức. Đây cũng là một trong những nội dung được lãnh đạo Casuco mong muốn các thành viên của CLB 200 thực hiện tốt hàng năm, nhằm ngày càng có nhiều nông dân trồng mía giỏi được kết nạp vào CLB này.

Vì thế, từ số lượng 64 thành viên lúc mới thành lập vào năm 2006, nay đã tăng lên 178 thành viên. Theo phân tích của lãnh đạo Casuco, yếu tố quan trọng góp phần xây dựng CLB 200 ngày càng vững mạnh về số lượng và chất lượng là đời sống của hầu hết các thành viên sau khi được kết nạp vào CLB 200 đều trở nên ổn định hơn so với trước. Vì thế, những hộ xung quanh đã phấn đấu làm theo. Đến thời điểm này, đã có hơn 30 thành viên của CLB 200 xây dựng được nhà ở khang trang, với giá trị bình quân trên 100 triệu đồng, hoặc ít nhất là nhà đạt chuẩn cấp 4 nên không còn nhà che lá, tạm bợ nữa. Ngoài ra, có hơn 25 thành viên đang đầu tư mua đất để mở rộng diện tích trồng mía.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho rằng: Với tinh thần chủ động tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới nên hàng năm, không những tăng lên về số lượng thành viên tham gia vào CLB, mà cả chất lượng mía cũng được cải thiện rõ rệt. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào thi đua trồng mía giỏi giữa các hộ dân trong vùng mía nguyên liệu của công ty ở Hậu Giang và các tỉnh lân cận. Nhờ vậy mà đời sống của các thành viên CLB ngày càng khấm khá hơn.

Tuy đã đạt được những thành quả tích cực nhưng quá trình sản xuất mía của các thành viên vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức phía trước. Do đó, Phó Tổng Giám đốc Casuco Nguyễn Hoàng Ngoan yêu cầu: Thời gian tới, các thành viên CLB 200 phải quyết tâm nỗ lực hơn nữa, thể hiện vai trò là nhân tố điển hình trong các hoạt động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế canh tác của mình để tăng năng suất và chất lượng cây mía. Bên cạnh đó, cũng rất cần vai trò của ngành nông nghiệp, các nhà khoa học để cùng chung tay hỗ trợ cho người trồng mía có thể đứng vững, ổn định sản xuất trong quá trình hội nhập.

Xuất phát từ ý tưởng tạo ra sân chơi để những người trồng mía giỏi thi đua sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nguồn mía nguyên liệu nên vào năm 2006, CLB 200 chính thức được Casuco thành lập. Có thể nói, từ khi có CLB 200 đến nay, phong trào trồng mía ở Hậu Giang nói riêng và các tỉnh lân cận có vùng mía nguyên liệu của Casuco nói chung ngày càng đi vào chất lượng, đồng thời tạo cầu nối quan trọng giữa các hộ trồng mía.

Riêng về điều kiện để trở thành thành viên CLB 200 được phân định cụ thể qua từng giai đoạn. Theo đó, từ năm 2006-2008, diện tích mía 7.000m2, năng suất đạt 200 tấn/ha; từ năm 2009-2011, diện tích mía 7.000m2, năng suất mía 200 tấn/ha, bổ sung thêm tiêu chí chữ đường 8,5 CCS; từ năm 2012 đến nay, diện tích mía 7.000m2, năng suất đường 18 tấn/ha, chữ đường 9,5 CCS.

 

nguồn: Báo Hậu Giang Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC-  04/11/2016

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh