Vùng nguyên liệu » Kỹ thuật canh tác

CHĂM SÓC MÍA MÙA NẮNG NÓNG

Ngày: 24/04/2017

        Niên vụ mía 2017 huyện Phụng Hiệp đã xuống giống dứt điểm, hiện nay mía từ 4-5 tháng tuổi. Hiện nay, buổi sáng sương mù, buổi trưa nắng gắt dễ dẫn đến một số dịch bệnh phát sinh trên mía nếu không chăm sóc tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất về sau.


   Nông dân tích cực chăm sóc mía nhằm hạn chế sâu bệnh phát sinh.

  

Thời điểm này năm trước, nắng nóng làm hàng ngàn héc-ta mía ở xã Tân Phước Hưng phát bệnh rỉ sắt, mía bị giảm năng suất từ 10-15%. Chính vì thế mà hiện nay nắng gắt khiến cho không ít nông dân nơi đây lo lắng. Canh tác gần 1ha mía ROC 16, nhận thấy thời gian gần đây nắng nóng, để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh nên ông Phạm Văn Chắc, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng đã thường xuyên thăm đồng, chú ý quan sát bẹ lá của cây mía. Đồng thời để ứng phó với thời tiết như hiện nay, ông Chắc cũng tiến hành giữ ẩm cho cây mía bằng cách tưới thường xuyên, cung ứng lượng nước đầy đủ để mía phát triển. Ông Chắc cho biết: “Hàng ngày, mỗi buổi sáng tôi đều ra thăm rẫy mía, nếu phát hiện nước mặn sẽ đắp các đập lại không cho nước vào. Lúc này phải chăm sóc kỹ, nếu không khéo mía bị vàng lá sẽ giảm năng suất. Hiện nay, diện tích mía của gia đình hơn 4 tháng tuổi, chuẩn bị vào giai đoạn bơm sình để giữ ẩm cho mía, đồng thời giúp cây có bộ rễ tốt để phát triển”.

         Bên cạnh sự cảnh giác của người dân thì năm nay ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đã chỉ đạo tổ khuyến nông ở các địa phương tổ chức cùng nông dân thăm đồng thường xuyên, chú ý nắm tình hình và dự báo một số dịch bệnh có thể phát sinh trong mùa nắng nóng như: rỉ sắt, bọ trĩ, rầy đầu vàng, thối rễ... Theo ngành chuyên môn, giống mía ROC 16 tuy có chữ đường cao, thu hoạch sớm nhưng dễ phát bệnh khi gặp điều kiện không thuận lợi, do những giống này theo thời gian đã bị lão hóa. Ông Nguyễn Trung Thới, cán bộ kỹ thuật xã Hiệp Hưng, cho biết: “Theo lịch định kỳ, cán bộ kỹ thuật xã đều tổ chức thăm đồng cùng nông dân để sớm phát hiện những dịch bệnh trên mía và có cách phòng trừ hợp lý. Đến thời điểm này, Hiệp Hưng chỉ ghi nhận khoảng 1ha mía bị rệp sáp tấn công làm héo đỉnh sinh trưởng của cây mía. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do liếp cao, mùa lũ năm rồi nước không làm ngập mặt liếp nên mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong đất. Nhờ phát hiện sớm nên số diện tích này đã được xử lý và có dấu hiệu phục hồi”.

         Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Theo thống kê, toàn huyện năm nay xuống giống được 7.400ha, trong đó giống mía chín sớm như ROC 16 chiếm 65%. Thời gian gần đây do thời tiết nóng khô, sáng sớm có sương mù đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên các rẫy mía. Tuy nhiên, nhờ nắm chặt tình hình, đồng thời triển khai nhiều giải pháp ứng phó nên hiện tại dịch hại trên mía không nhiều. Trong khi đó, hai loại dịch bệnh phát sinh nhiều trong vụ mía năm rồi là bệnh rỉ sắt và rầy đầu vàng hiện nay vẫn được kiểm soát tốt.

              Một vụ mía có thời gian đầu tư 9-10 tháng, thậm chí lên đến 12 tháng, tất cả vốn liếng người dân đều đặt vào loại cây trồng này. Chính vì thế, chủ động trong sản xuất, hạn chế được dịch bệnh tấn công sẽ góp phần giúp nông dân trồng mía gặt hái được những thắng lợi trong canh tác.

Sưu tầm BPKN - Trích Báo Hậu Giang 19/4/2017

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh