Vùng nguyên liệu » Kỹ thuật canh tác

Trồng mía làm giàu - Chuyện không khó !

Ngày: 17/11/2009
Nhiều năm qua, dù giá mía bấp bênh, nhưng những nông dân “nòi” có thâm niên hàng chục năm gắn bó với cây mía đã quyết chí làm giàu từ cây mía. Họ đã chú ý đến việc chuyển đổi giống để nâng cao năng suất, chất lượng đường.

 

Ông Nguyễn Văn Mười Em,  ngụ khu vực 8, phường Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy là người trồng mía đạt năng suất cao nhất với gần 220 tấn/ha. Với kinh nghiệm ông có 15 năm trồng mía. Theo ông Mười Em, giống mía QĐ13 ông đang trồng  có năng suất cao và phù hợp với vùng Phụng Hiệp, Ngã Bảy. Trong vụ vừa rồi, 8 công mía của ông cho thu hoạch được 120 tấn, bán giá 470 đ/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu về trên 30 triệu đồng. Ưu điểm của giống mía QĐ13 có năng suất ổn định, chữ đường khá. Nếu có hệ thống đê bao nông dân trồng lưu gốc bán rải vụ thì lợi nhuận mang lại từ cây mía sẽ còn cao hơn nhiều. Cái khó của vùng Ngã Bảy là bị ngập lũ, không thể chủ động được nguồn hom mía giống, phải mua giống trôi nổi thường bị lẫn lộn, sức nảy mầm yếu phải tốn nhiều chi phí hơn trong chăm sóc.

 

Còn anh Lê Văn Ràng, ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp là người 4 năm liền trồng mía đạt năng suất trên 200 tấn/ha. Nhờ trúng mía nhiều năm liền, nên anh Ràng luôn là thành viên của CLB 200 tấn. Chỉ tính riêng vụ mía vừa rồi, 7 công mía của gia đình trồng bằng giống QĐ11 cho thu hoạch được 187 tấn, bán giá 480 đ/kg, thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Nhờ mía trúng, mà vụ mía trước, anh Ràng đã “rinh” về một chiếc xe Wave S. Anh Ràng nói: “Hầu hết nông dân trong ấp đã chuyển sang trồng giống mía mới từ nhiều năm, nên năng suất rất ổn định. Cuộc sống của nông dân trong vùng cũng khá lên. Người thì mua xe, người xây nhà cũng nhờ vào cây mía”.

 

Hiện nay, mía đã 6 tháng tuổi và phát triển rất tốt, anh Ràng khẳng định, rẫy mía của gia đình tiếp tục sẽ cho năng suất trên 200 tấn/ha. Theo anh Ràng, trồng mía rất dễ, nhưng để có năng suất cao và ổn định thì không dễ. Muốn vậy, đòi hỏi người trồng mía phải nắm được quy trình kỹ thuật để biết giai đoạn nào bón phân cho cây mía để mía phát triển và đạt được năng suất, chữ đường tốt nhất. Đối với từng giống mía, phải biết thời điểm bón phân, vô chân, chăm sóc phải khác nhau mới mang lại kết quả. Năm nay giá phân bón hạ, gia đình còn dự tính sẽ tăng lượng phân bón để tăng năng suất mía, tăng thêm nguồn thu nhập.

 

Dù năng suất chỉ gần 205 tấn/ha, nhưng rẫy mía của ông Phạm Văn Quốc, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, có chữ đường cao nhất với 11,7 CCS. Khác với các hộ trồng mía trong khu vực, ông Quốc không chú ý nhiều đến năng suất, mà chỉ tập trung cho chất lượng. Ông cho rằng, vùng mía chạy lũ này nếu năng suất mía có cao, nhưng chữ đường thấp thì bán vẫn không được giá. Vì vậy, nhiều năm liền 1,4 ha mía của ông Quốc đều được trồng bằng giống ROC16. Dù mía chỉ 10 tháng tuổi cho thu hoạch như năm rồi, nhưng chất lượng đường lại vượt trội so với các giống mía khác. Với diện tích trên, vụ mía 2008, ông Quốc bán được 280 tấn, với giá 500 đ/kg, thu về lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Ông Quốc cho biết: “Đây là giống mía chín tương đối sớm, nên chữ đường rất cao, lại ít sâu bệnh dù năng suất không bằng các giống mía khác. Vụ mía năm nay, tôi vẫn duy trì giống mía này cho đến khi nào có giống mía khác có chữ đường cao hơn thì mới đổi giống”. Ngoài ra, ông Quốc còn cho trồng xen thêm nhiều loại hoa màu: khổ qua, bầu, đậu đen để tăng thu nhập và hạ giá thành sản xuất cho cây mía.

 

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ Võ Văn Sơn cho rằng, vụ mía vừa qua giá vật tư phân bón tăng cao, trong khi giá mía của vụ trước xuống thấp so với giá lúa, nên người trồng mía không mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi như mưa giông, đổ ngã, một số giống mía bị trổ cờ, hoặc sâu bệnh tấn công cũng ảnh hưởng đến năng suất mía. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nhiều năm qua, nông dân đã thay đổi dần tập quán trồng giống mía cũ để chuyển qua các giống mía mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác như bón phân theo quy trình, trồng thưa, trồng xen hoa màu vào rẫy mía để hạ giá thành tăng thu nhập. Nhờ vậy, hàng năm đều có thành viên mới gia nhập vào CLB 200 tấn, đây là một phấn đấu không ngừng của những nhà nông. Tuy nhiên, cách chọn giống tốt có năng suất chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để giúp nông dân trồng mía tăng nguồn lợi nhuận. Ngoài ra, những nông dân trồng mía giỏi còn được nhiều ưu đãi như: được tập huấn kỹ thuật, cho giống mía mới, chọn làm điểm trình diễn mô hình giống mía mới để nông dân trồng mía trong và ngoài tỉnh tham quan...

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng bộ môn cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Cần tiếp tục nâng cao năng suất mía và có nhiều CLB có năng suất cao như CLB 200 tấn. Vì trồng mía cũng là một nghề và chuyện giá cả lên xuống là tất yếu. Trong làm ăn không có nghề nào là ổn định, vì vậy nông dân phải tìm cách để đưa cây mía đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Trước hết, khâu giống phải là số một vì quyết định đến năng suất, chất lượng mía, bên cạnh đó cần cải tiến liên tục từ khâu giống, kỹ thuật canh tác thì mía mới cho năng suất cao. Nếu giống không tốt có thể giảm đến 15% năng suất mía, vì vậy cần chủ động mía giống để hom đủ chất lượng, trồng mới đạt hiệu quả cao, bán mía có lời mới duy trì lâu dài với cây mía.

 

 

Bài, ảnh: HOÀI THU - Báo Hậu Giang

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh