Vùng nguyên liệu » Kỹ thuật canh tác

MÔ HÌNH TRỒNG MÍA XEN MÀU

Ngày: 01/08/2011
Ở Phụng Hiệp, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng mía xen canh hoa màu đã được nhiều nông dân nơi đây biết đến từ lâu. Trong ba năm trở lại đây mô hình này ở xã Hiệp Hưng đã đem lại nguồn thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích canh tác, từ đó người dân yên tâm trồng mía hơn.

 

     Anh Ngũ Văn Đời, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng là một trong những hộ áp dụng mô hình trồng xen bí rợ vào rẫy mía cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Anh Đời cho biết: “Trước kia, chỉ độc canh cây mía nên thu nhập không cao. Thấy diện tích đất giữa hai hộc mía còn trống nhiều, tôi đã nảy sinh ý định trồng xen canh một số loại hoa màu để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình trong lúc chờ bán mía”.

    Với diện tích 8 công đất tôi trồng 2.500 dây bí rợ (trồng giữa hai đầu hàng mía), sau 3,5 tháng trồng tôi thu hoạch như sau:

  - Vốn đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV: 3.500.000đ.
  - Thu hoạch: 1,5kg/dây x 2.500dây = 3.750kg.
  - Thu nhập: 3.750kg x 7.000đ/kg = 26.250.000đ.
  - Lãi: 22.750.000đ. (lãi bình quân 2.750.000 đ/1.000m2).
     Theo tính toán của anh Đời nếu kết hợp trồng xen canh thêm hoa màu thì lợi nhuận trên cùng diện tích có thể nâng lên đáng kể, đồng thời giúp anh có chi phí để trang trải cuộc sống gia đình và tiền đầu tư chăm sóc cây mía tốt hơn. Anh Đời nói thêm: “Nhờ có mô hình trồng rẫy dây trên nền đất mía, nhiều năm qua, nguồn thu nhập của gia đình khá hơn, không còn phải trông chờ vào cây mía như trước đây nữa”.
    Còn anh Đinh Văn Đấu, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng khi thấy bà con xung quanh trồng màu đạt hiệu quả cao, anh cũng bắt đầu trồng theo. Trên diện tích 6 công đất mía, anh chọn ra 3 công để trồng màu xen canh khổ qua với kêt quả như sau:
- Tổng cộng chi phí: 4.800.000 đồng.
- Thu nhập: 2.230 kg x 6.000 đ/kg = 13.920đồng.
- Lãi: 9.120.000 đồng.
(lãi bình quân khoảng 3.000.000 đồng/công).
     Anh Đấu tâm sự: “Thuận lợi của mô hình này là khi chăm sóc mía thì chăm sóc màu, tận dụng lượng phân dư thừa từ màu để cung cấp cho cây mía, từ đó, nâng cao năng suất mía khi thu hoạch. Trồng màu chỉ cực là phải theo dõi và chăm sóc thường xuyên, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Số tiền thu được từ trồng xen hoa màu đã giúp gia đình mua giống mía, phân, thuốc BVTV, đến khi bán mía thì còn dư trọn số tiền để dành dụm”.
    Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, cho biết: Là xã nghèo, cuộc sống làm ruộng, rẫy, chủ yếu là trồng cây mía. Những năm gần đây, người dân đã biết áp dụng mô hình trồng xen canh giữa mía và rẫy dây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao trên cùng một đơn vị diện tích. Từ một vài hộ tự phát ban đầu, đến nay toàn xã đã có hơn 320 hộ trồng mía xen màu, tập trung nhiều ở các ấp như: Quyết Thắng, Quyết Thắng A, Mỹ Lợi B,… với lợi nhuận trên 1,5 triệu đồng/công/năm. Bà con chỉ tận dụng diện tích đất đầu hộc mía để trồng các loại màu như: khổ qua, bí đao, bầu, mướp, bí rợ,… để “lấy ngắn nuôi dài” nhưng lại có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Với hiệu quả mang lại, UBND Xã sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình ra toàn xã, góp phần giải quyết việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

    Theo Ks Huỳnh Văn Măng – Giám đốc Khuyến nông thuộc CASUCO để chuyển đổi cơ cấu canh tác và phá vỡ thế độc canh cây mía ,việc trồng xen hoa màu đã đem lại hiệu quả tích cực cho người dân. CASUCO tổ chức hội thảo rẫy mía xen màu, tập huấn kỹ thuật canh tác mía, cho giống đậu đen xanh lòng, đậu xanh... để bà con lựa chọn cây màu phù hợp trồng trên đất của mình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiến tới canh tác bền vững. Vụ mía 2010-2011 nông dân trúng mùa được giá, lãi trung bình từ 50 - 80 triệu đồng/ha trồng mía, bà con tận dụng trồng xen hoa màu để tăng thêm thu nhập từ 15 – 30 triệu đồng/công/năm.

 

 

BP Khuyến nông

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh