Tin tức - Sự kiện » Bài viết CB_Người lao động

Phía sau … là thế mạnh

Ngày: 21/07/2016 số lượt xem: 8975

H

iện nay trước thách thức mở cửa thị trường thương mại quốc tế và áp lực cạnh tranh ngày càng cao đối với các công ty, nhà máy mía đường trong nước, để phát triển và đứng vững trên thị trường các Công ty, nhà máy đường cần khắc phục những bất lợi, khó khăn, tận dụng cơ hội cũng như tăng cường các tiềm lực sẵn có bên trong mỗi doanh nghiệp.

 

Hình 1: Hội nhập thương mại quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua

 

        Trong điều kiện ngành mía đường vẫn được bảo hộ thông qua hạn ngạch và thuế quan, lợi thế vẫn thuộc về các công ty có khả năng tự chủ vùng nguyên liệu có năng suất và chất lượng cao, chi phí sản xuất mức thấp và có khả năng khai thác phụ phẩm tốt hơn. Đây như một xu hướng tất yếu nhằm gia tăng cạnh tranh, chuyển sản phẩm thứ yếu thành sản phẩm chủ yếu, là cơ hội cho doanh nghiệp nào nhận ra thế mạnh phía sau những sản phẩm phụ ngoài đường.   

 

Hình 2: Minh họa về sự cạnh tranh

                 Việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phụ từ mía đường dần được đẩy mạnh, nhiều công ty mía đường trong nước đã và đang tập trung vào hoạt động khai thác chuỗi giá trị ngành đường, đầu tư vào các sản phẩm phụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, góp phần vào mục tiêu giảm giá thành, đặc biệt là đầu tư đồng phát nhiệt điện từ bã mía, sản xuất ethanol… cũng như đa dạng hóa sản phẩm, tận thu phế phẩm.

 

                   Hình 3: Trụ sở Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ

           Ngoài sản phẩm chính là đường, nhà máy đường còn có các sản phẩm phụ khác như: Bã mía (28 - 32% trọng lượng mía ép), mật rỉ (5 - 6% trọng lượng mía ép) và bã bùn (4 - 5% trọng lượng mía ép). Tuy nhiên, những giá trị phía sau những sản phẩm phụ này chưa được đề cao và nâng cao do đó có khá ít nhà máy mía đường phát huy thế mạnh nhờ kinh doanh các sản phẩm phụ này.

               Hình 4: Khu vực băm mía của một nhà máy sản xuất đường

 

Bã mía - phụ phẩm mang lại nhiều nguồn thu và giá trị nhất

            Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) ước tính cứ 3 tấn bã khô cung cấp nhiệt lượng tương đương 1 tấn dầu. Hiện nay mỗi năm các nhà máy đường trong nước ép trên 15 triệu tấn mía, sinh ra 4,5 triệu tấn bã mía, là nguồn chất đốt cung cấp nhiệt tạo ra điện và hơi cho nhà máy đường.

Tại các nước sản xuất đường lớn trên thế giới như Brazil, Ấn Độ và Thái Lan đồng phát điện từ bã mía là một trong những lựa chọn sử dụng năng lượng tái tạo thành công nhất. Tại Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng “Triển vọng đồng phát nhiệt – điện từ bã mía ở Việt Nam là rất lớn. Khi có thêm sản phẩm điện thì các nhà máy đường có thêm thu nhập, tăng năng lực cạnh tranh, tạo sự ổn định bền vững cho cây mía - loại cây nông nghiệp gắn với người nông dân”.

                      Hình 5: Bã mía sau khi đóng khối

 

 Giá trị kinh tế mang lại thì rất lớn, về mặt môi trường và xã hội thì lợi ích vô kể như đồng phát nhiệt điện từ bã mía giúp tiết kiệm tài nguyên hóa thạch, bởi một tấn bã mía 50% ẩm tương đương 0,213 tấn dầu thô. Sử dụng nguồn điện từ bã mía có thể giúp giảm áp lực cho các nhà máy thủy điện khi thiếu nước vào mùa khô, lại an toàn.

 Hình 6: Một góc nhà máy đường kết hợp đồng phát điện

 Bã mía là một loại năng lượng sinh khối. Nó đã và đang sẽ là xu hướng năng lượng tái tạo mới bền vững và thân thiện với môi trường. Trong tình hình nước ta hiện nay việc đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này có thể tận dụng với những cơ hội và đối mặt với những thách thức như sau:

Những cơ hội và thách thức

Cơ hội 

- Tiềm năng đồng phát điện từ bã mía là rất lớn và chưa được đầu tư, khai thác triệt để khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú.

- Càng phát triển thì nhu cầu ứng dụng các công nghệ năng lượng sinh khối ngày càng được ưa chuộng.

- Các chính sách và thể chế đang từng bước hình thành tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng sinh khối nói riêng. Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 176/2004/QĐ-TTg ban hành ngày 05 tháng 10 năm 2004 về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010, định hướng đến năm 2020 và Luật Điện lực được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 đều có ghi sử dụng nguồn năng lượng mới, tái tạo để cung cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi hay hải đảo. 

Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ số 35/2005/CT-TTg ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2005 về việc tổ chức thực hiện nghị định thư Kyoto thuộc công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cũng là một cơ sở pháp lý thuận lợi cho năng lượng tái tạo.  

Để phát huy được thế mạnh nguồn năng lượng này, năm 2011 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2553/VPCP - KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương đưa nguồn điện sản xuất từ bã mía của các nhà máy đường vào Chiến lược quy hoạch phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo Việt Nam để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

- Môi trường quốc tế thuận lợi. Kế hoạch hành động năng lượng của các nước ASEAN trong đó có đề ra mục tiêu đạt ít nhất 10% điện tái tạo trong cơ cấu sản xuất điện. 

- Nhiều tổ chức quốc tế đang quan tâm phát triển công nghệ năng lượng sinh khối ở Việt Nam, họ tổ chức nhiều hội thảo, tài trợ nhiều dự án phát triển năng lượng sinh khối. Các dự án năng lượng sinh khối có cơ hội tận dụng cơ chế phát triển sạch (CDM) để thu hút vốn đầu tư. Nhiều công nghệ đã được hoàn thiện, ứng dụng thương mại nên Việt Nam có thể nhập và ứng dụng, tránh được rủi ro về công nghệ. 

Thách thức 

-  Sự cạnh tranh về nhu cầu nguyên liệu sinh khối 

- Sự cạnh tranh về chi phí của các công nghệ: Hiện nay nhiều công nghệ sinh khối còn đắt hơn công nghệ truyền thống sử dụng nhiên liệu hoá thạch cả về trang thiết bị lẫn nhiên liệu nên việc đưa công nghệ mới vào Việt Nam còn gặp trở ngại lớn. Việt Nam còn là một nước đang phát triển nên thiếu kinh phí đầu tư công nghệ mới, đây thật sự là một rào cản rất lớn.

- Trở ngại về môi trường: Năng lượng sinh khối có một số tác động môi trường. Khi đốt, các nguồn sinh khối phát thải vào không khí bụi và khí sulfurơ (SO2). Mức độ phát thải tùy thuộc vào nguyên liệu sinh khối, công nghệ và biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

- Thiếu nhận thức của xã hội về năng lượng sinh khối.

- Thiếu các chính sách và thể chế cụ thể của chính phủ: Năng lượng tái tạo không có các mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển của nhà nước trung ương và địa phương. Hiện cũng chưa có một cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này.

 

Chưa hết, giá trị của bã mía còn là nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh khối: Bã mía - nguyên liệu sản xuất ethanol thế hệ hai. Sử dụng cellulose để sản xuất nhiên liệu sinh học không những nâng cao giá trị của quá trình sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngoài rơm, rạ, gỗ được xem là nguyên liệu phổ biến, thì bã mía là lựa chọn mới sản xuất nhiên liệu sinh học, phù hợp với nền nông nghiệp Việt Nam.

Hình 7: Bụi mía tại một nhà máy sản xuất đường

 

 Việt Nam đã và đang thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” theo quyết định số 177/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/11/2007. Theo đề án này, trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trên phạm vi cả nước. Đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250.000 tấn, đủ sức pha trộn 5 triệu tấn xăng, dầu E5, B5, đáp ứng 1% xăng dầu cả nước…

Vấn đề là đạt được những con số trên mà không ảnh hưởng đến dự trữ lương thực, thực phẩm. Vì vậy, những nguyên liệu phế phẩm, đặc biệt là bã mía sẽ góp phần vừa xây dựng nền nông nghiệp bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, vừa giải quyết nhu cầu nhiêu liệu sinh học.

Ngoài các giá trị mang tầm vĩ mô như trên, bã mía còn mang lại các giá trị thiết thực và gần gũi hơn đối với những người nông dân, ngành công nghiệp khác:

- Là nguồn nguyên liệu sản xuất bột giấy.

- Là nguồn nguyên liệu làm ván ép.

- Viên nén bã mía có thể dùng để làm đệm lót chuồng trại.

- Làm vật liệu lọc nước tự nhiên, chất hấp thụ kim loại nặng (sau khi đã xử lý bằng phương pháp thích hợp).

- Ủ lên men làm thức ăn gia súc thay thế một phần cỏ, rơm

- Ủ lên men làm phân bón

- Thay thế bột mì: Tại bang Queensland (Australia), bã mía của nhà máy đường (với quy trình hoàn toàn không sử dụng hóa chất) được sấy khô và xay thành sản phẩm. Sản phẩm này được bán tại thị trường Australia, xuất khẩu sang Nhật Bản và New Zealand. Cũng có thể sử dụng bột bã mía thực phẩm này trong xúc xích và thịt xay.

- Ủ lên men làm giá thể trồng nấm mèo, nấm linh chi. Theo kết quả thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) Việt Nam, nuôi nấm trên bã mía cũng có năng suất tương đương với rơm rạ, mùn cưa... Thậm chí, ở nấm sò và mộc nhĩ, phương pháp này còn đem lại năng suất cao hơn.

- Bột bã mía được dùng làm chất đốt, làm thức ăn cho trâu bò và làm phân bón, giúp bổ sung chất sắt, kẽm, phốtpho, các bon, can xi... cho cây.

- Trong nuôi tôm, bột bã mía được dùng để bổ sung chất khoáng cho tảo, giúp phát triển hệ vi sinh vật có lợi trong nước, ổn định môi trường nước và cung cấp một số chất (sắt, kẽm...) cho tôm nuôi, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng; đồng thời, khi ứng dụng phương pháp này, chỉ số pH, độ kiềm trong nước ổn định ở mức phù hợp cho tôm phát triển.

 

Mật rỉ

Mật rỉ là nguyên liệu sản xuất cồn rượu, làm môi trường sản xuất men các loại, là nguyên liệu sản xuất axit axetit, axit citric, làm môi trường men sản xuất bột ngọt, dùng trong sản xuất một số loại bia có màu tối.

- Sử dụng để tạo hương cho thuốc lá.

- Dùng làm phụ gia trong chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn ủ xanh, pha dung dịch thủy canh.


- Người nuôi tôm sử dụng mật rỉ đường để hỗ trợ xử lý nước trong ao nuôi tôm công nghiệp.

Hình 8: Hình ảnh phụ phẩm mật rỉ

Bùn lọc/Bã bùn

Bã bùn là sản phẩm cặn bã còn lại thải ra sau khi chế biến đường. Trong bã bùn có chứa một lượng dinh dưỡng cao như đạm, lân, lưu huỳnh và calci, sử dụng làm nguồn phân hữu cơ rất tốt, là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, đặc biệt là cây mía. 

Từ bùn lọc có thể rút ra sáp mía để sản xuất nhựa xêrin làm sơn, xi đánh giày. 

Hình 9: Bã bùn được dùng làm nguyên liệu trong một quy trình sản xuất

 

 Những giá trị kể trên cho thấy nguồn nguyên liệu mới phần nào có thể giúp làm giảm căng thẳng giá cả nông sản toàn thế giới, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực và phát hiện nguồn nguyên liệu tái tạo để sản sinh các nguồn năng lượng giá trị.

Hiện nay chính phủ quan tâm phát triển nguồn năng lượng sinh khối, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí trong sản xuất mía đường. Chính phủ nhiều nước đã rất quan tâm đến việc sản xuất loại nhiên liệu sạch vì nó bảo đảm an ninh năng lượng. Đó chính là chìa khóa dẫn đến tương lai.    

Biết nắm bắt các yếu tố và lợi thế từ những sản phẩm phụ sau đường là nắm được là chìa khóa dẫn đến thành công.

Sáng tác: N2N

 

 - 
Các danh hiệu giải thưởng
Vùng nguyên liệu
Thư viện hình ảnh